TPHCM: Phát hiện số người mắc lao cao nhất trên toàn quốc

12/12/2019 14:10

Việt Nam đứng thứ 14 trong số 22 quốc gia chịu gánh nặng bệnh lao cao. Hàng năm gần 130 nghìn bệnh nhân lao mắc mới và gần 17 nghìn người chết vì lao. Tại TPHCM, mỗi năm phát hiện và điều trị khoảng 15 nghìn bệnh nhân lao. TPHCM là địa phương phát hiện người mắc lao cao nhất trên toàn quốc.

Nguyên nhân chính làm dịch lao kéo dài trên địa bàn là do tỷ lệ phát hiện bệnh đạt khoảng 60% số trường hợp mắc lao mới trong cộng đồng.

Hiện TPHCM có khoảng 15% số lượng bệnh nhân lao của các tỉnh thành khu vực phía Nam đang được thu dung và điều trị tại thành phố. Nhờ tích cực triển khai các dự án, bệnh lao được phát hiện có xu hướng giảm. Năm 2011 số ca mắc là 230 người/100 ngàn dân, đến năm 2018 con số này chỉ còn 197 người. Tỷ lệ thu nhận điều trị lao phổi đang duy trì ở 93-95 trường hợp/100 ngàn dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch tễ bệnh lao diễn tiến khá phức tạp, công tác chống lao gặp nhiều khó khăn nên khó tiếp cận được các mục tiêu đã được đề ra là đến năm 2020 giảm số lượng mắc trong cộng đồng xuống còn 131 người/100 ngàn dân, giảm số người chết do lao xuống dưới 10 trường hợp/100 ngàn dân, khống chế số lượng người mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người mắc bệnh lao.

Nhằm chủ động tầm soát, phát hiện lao sớm, điều trị kịp thời, giảm nguy cơ lây nhiễm, từ năm 2014, TPHCM bắt đầu thực hiện chương trình chăm sóc đúng, thiết lập mạng lưới cộng tác viên, tư vấn viên tại phường xã đến tư vấn cho gia đình có người mắc lao mới được phát hiện đến cơ sở y tế khám, chụp X-quang miễn phí. Ngoài ra, người có nguy cơ mắc lao, nhóm dân cư hoàn cảnh khó khăn cũng được tầm soát miễn phí.

Vào các ngày cuối tuần, tại các địa điểm có người mắc lao, nguy cơ lây nhiễm cao sẽ có các đợt chụp X-quang lưu động để sớm phát hiện người mắc mới, nhằm tư vấn, vận động họ đến bệnh viện điều trị. Qua đó, thành phố phát hiện thêm hàng chục nghìn người mắc bệnh, giảm tỷ lệ bỏ điều trị.

Theo ngành y tế, vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người dưới nhiều trạng thái. Khi vi khuẩn thâm nhập lần đầu vào cơ thể, gọi là lao tiềm ẩn. Việc nhiễm lao tiềm ẩn có thể được cơ thể loại trừ qua khả năng miễn dịch tự nhiên. Nếu vi khuẩn không bị tiêu diệt, chúng có thể gây nhiễm lao. Khi không được điều trị, nhiễm lao tiềm ẩn có thể trở thành lao hoạt động và lây nhiễm cho người tiếp xúc. Chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn có ý nghĩa quan trọng với cuộc chiến chấm dứt bệnh lao.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu hướng đến chấm dứt bệnh lao tại TPHCM, thành phố sẽ tiếp tục các giải pháp như: ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chẩn đoán sớm, xét nghiệm kháng sinh đồ cho toàn bộ bệnh nhân trước khi điều trị; tiếp cận để sàng lọc bệnh nhân; phát hiện chủ động lao - HIV, lao trẻ em.

Đồng thời, chuẩn bị thông qua việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao bằng bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để các bệnh nhân được tiếp cận với tất cả các dịch vụ phòng chống lao.
Top