Sàng lọc viêm gan C cho 1.300 người nghiện trên địa bàn Hà Nội

24/02/2016 16:25

Ngày 24/2, Trường Đại học Y Hà Nội, Tổ chức Medecines du Monde, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) và Mạng lưới hỗ trợ người sử dụng ma túy (VNPUD) đã ra mắt Cơ sở tư vấn-sàng lọc viêm gan C cho người nghiện chích ma túy.

Đây là hoạt hoạt động thuộc Dự án Triển khai thí điểm tư vấn xét nghiệm và chuyển gửi điều trị viêm gan C (HCV) cho người nghiện chích ma túy ở Hà Nội do các đơn vị kể trên phối hợp thực hiện. Tổ chức Hợp tác Pháp (ADF), Cộng hòa Pháp tài trợ dự án này.

Tiếp cận viên tư vấn cho một người nghiện chích ma túy tại phòng khám. Ảnh Nhật Thy

Dự án có thời gian thực hiện là 3 năm (từ tháng 10/2015 đến tháng 8/2018) với 3 mục tiêu chính: Xây dựng mô hình sàng lọc chăm sóc và điều trị HCV phù hợp với người tiêm chích ma túy; cung cấp các bằng chứng về hiệu quả của thuốc điều trị HCV mới cho các nhà hoạch định chính sách; nâng cao năng lực của cán bộ y tế và điều trị HCV.

Phát biểu tại Lễ ra mắt cơ sở, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, Viêm gan C là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Trên thế giới có khoảng 130-185 triệu người nhiễm mà có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan. Ở nhiều quốc gia, những người tiêm chích ma túy là nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhất bởi viêm gan C. 

Tại Việt Nam, theo các số liệu điều tra, khoảng 80-90% số người tiêm chích ma túy có nhiễm virus viêm gan C.

Khi bị nhiễm phần lớn không có biểu hiện lâm sàng xét nghệm sàng lọc là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm. Hiện tại chưa có vắc xin dự phòng viêm gan C, cách thức dự phòng chủ yếu dựa vào biện pháp giảm các hành vi nguy cơ.

Theo PGS.TS Nguyễn Đúc Hinh, nhu cầu dự phòng và can thiệp sớm các bệnh viêm gan virus, trong đó có viêm gan C đang là một vấn đề cấp thiết tại Việt Nam.

Chính vì vậy, sự ra đời Cơ sở tư vấn và xét nghiệm viêm gan C-Viện Y học dự phòng và Y tế cộng cộng, Đại học Y Hà Nội là hết sức cần thiết.

Trong năm 2016, mục tiêu của cơ sở là cung cấp dịch vụ liên quan đến sàng lọc HCV cho 1.300 người nghiện chích ma túy trên địa bàn Hà Nội.

Bác sỹ khám cho một người nghiện chích bị HCV. Ảnh Nhật Thy

Dịch vụ sàng lọc HCV tại đây bao gồm:  Tư vấn giảm hại HCV, xét nghiệm tình trạng nhiễm HCV, HIV và HBV; Đánh gia mức độ xơ gan hóa bằng máy fibroscan; Chuyển gửi tới các dịch vụ Viêm gan V; Hỗ trợ sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu: Điều trị HCV, tiêm phòng viêm gan B, điều trị ARV, điều trị nghiện chất…

Top