Quảng Ninh với công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm

10/03/2011 11:00

Trong những năm qua, tình trạng hoạt động mại dâm và các tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn Quảng Ninh chưa phải là “điểm nóng” so với nhiều địa phương khác trong cả nước, song tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm và các TNXH.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Nhận thức được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã kiện toàn hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở, trong đó y tế các cấp là cơ quan thường trực, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng chống HIV/AIDS đặc biệt thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới; đồng thời Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia của tỉnh về phòng chống HIV/AIDS đến 2010 và tầm nhìn 2020.

anh tuyen truyen ma tuy.jpg

Đoàn thanh niên TP Hạ Long phát bao cao su và tờ rơi tuyên tuyền công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các mặt công tác phòng chống HIV/AIDS gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng nhằm thực hiện có hiệu quả 9 chương trình hành động cụ thể trong Chương trình thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, các hình thức tuyên truyền cũng được thay đổi với hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng trong nhóm có nguy cơ cao, như: Tổ chức tọa đàm, mít tinh, thi tìm hiểu, phát tờ rơi, áp phích, panô; tăng cường tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, thể thao... để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đó tự bảo vệ mình và chủ động, tích cực tham gia.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã duy trì hoạt động của 11 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện miễn phí cho những người có nhu cầu. Tổ chức điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS ở tất cả các đơn vị điều trị trong tỉnh; đồng thời tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ tại nhà ở 5 địa bàn: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Hoành Bồ. Triển khai điều trị ARV ở 9 địa bàn với 12 phòng khám ngoại trú. Tính đến hết năm 2010 toàn tỉnh đã điều trị cho trên 13.000 người, trong đó có 170 trẻ em. Tất cả những bệnh nhân điều trị thuốc ARV đều được miễn phí, 163 trẻ em bị nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế do Quỹ phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ.

Đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, hàng năm, thường trực các Ban chỉ đạo của tỉnh đã tích cực, tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các Chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy, mại dâm trong năm và các năm tiếp theo, đồng thời tổ chức tốt các hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống kiểm soát ma túy, mại dâm. Ban chỉ đạo đã Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai tốt các đợt tấn công trấn át tội phạm ma túy, mại dâm, trong đó tập trung lực lượng chỉ đạo triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lớn, không để hình thành các tụ điểm phức tạp.

Quyết liệt phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm .

Năm 2011 là năm thực hiện tiếp theo trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Với đội ngũ cán bộ y tế các tuyến nhiệt tình, mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên có nhiều kinh nghiệm phủ khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đặc biệt với sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể và sự hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ đã giúp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trên địa bàn Quảng Ninh đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Đạt được kết quả trên Quảng Ninh đã và đang triển khai toàn diện 9 chương trình hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã tác động thay đổi kiến thức và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã được đẩy mạnh như chương trình phân phát bao cao su và trao đổi bơm kim tiêm. Đây là nội dung và là chương trình trọng tâm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên đối tượng có hành vi nguy cơ cao và làm giảm lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng.

anh tuyen truyen ma tuy2.jpg anh tuyen truyen ma tuy3.jpg

Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái bắt đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và của toàn dân trong công tác phòng, chống HIV/ AIDS, đấu tranh phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm. Phấn đấu năm 2011 và những năm tiếp theo tiếp tục khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3%; kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm, làm giảm các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trong thanh thiếu niên, tội phạm ma túy, buôn lậu, tham nhũng và các tệ nan xã hội; không để hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm hại, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm với các chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của đơn vị, địa phương; tạo sự đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh - trật tự, phòng, chống HIV/AIDS nhất là trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; gắn với công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giáo dục cảm hóa các đối tượng vi phạm pháp luật; công tác tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy; bảo vệ môi trường sống... tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh từ mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư.

Trong thời gian tới, phấn đấu tỷ lệ phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đạt trên 95% và án thường đạt trên 75%. Duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp 4 ngành Công an - Bộ đội Biên phòng - Hải quan - Cảnh sát biển trong đấu tranh về PCMT tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Kết hợp chặt chẽ 2 biện pháp cai nghiện tự nguyện và bắt buộc với 3 hình thức cai nghiện (cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện); quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Vũ Oai cho 100% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Có thể khẳng định, trong thời gian qua công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm mà Quảng Ninh đã đạt được những thành tích quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị của địa phương. Tuy nhiên, diễn biến của HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn tiềm ẩn các nguy cơ phức tạp, khó lường. Do đó thời gian tới tỉnh cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và địa phương, để ngăn chặn đại dịch AIDS và giảm thiểu các tệ nạn xã hội./.

 

Top