Quảng Ninh: Tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện tăng từng năm

26/10/2020 15:31

Tại Quảng Ninh, tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện so với người nghiện có hồ sơ quản lý tăng từ 68,5% năm 2015 lên 83% năm 2019, phấn đấu hết năm 2020 lên 90%...

Ảnh Nhật Thy

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, từ năm 2016 đến nay, 100% cán bộ quản lý các cấp, thành viên mô hình và cộng tác viên làm công tác cai nghiện ma túy được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tư vấn, điều trị nghiện ma túy ít nhất một lần; trong đó, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, cấp chứng nhận chẩn đoán, điều trị nghiện ma túy cho gần 300 cán bộ y tế cấp cơ sở; Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng nhận, chứng chỉ về tư vấn điều trị nghiện cho gần 400 cán bộ, thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã và 100% cán bộ y tế thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện so với người nghiện có hồ sơ quản lý tăng từ 68,5% năm 2015 lên 83% năm 2019, phấn đấu hết năm 2020 lên 90%...

Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện đa chức năng của đơn vị được bổ sung thành cơ sở cai nghiện đa chức năng, bên cạnh cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định, Cơ sở thực hiện cai nghiện cho đối tượng tự nguyện, cai nghiện cho người không có nơi cư trú ổn định và điều trị thay thế bằng Methadone. Cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; tổ chức bộ máy được củng cố; các biện pháp điều trị, cai nghiện từng bước được hoàn thiện, đổi mới, trong đó, tập trung đến các hoạt động tư vấn tâm lý, xã hội, các hoạt động trị liệu và vui chơi, giải trí..., từng bước chuyển dịch từ đơn vị hành chính sang đơn vị cung cấp dịch vụ công về cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.

Trong thời gian qua, Cơ sở thu hút được số đông người nghiện vào cai nghiện tại Cơ sở (cai nghiện bắt buộc: 446 lượt người, cai nghiện tự nguyện: 2.650 lượt người, không nơi cư trú: 104 lượt người). Số người cai nghiện tự nguyện cao là nhờ tỉnh có chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ toàn bộ chi phí (điều trị, cai nghiện), ăn, ở, sinh hoạt cho người cai nghiện; sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an các địa phương trong việc động viên, vận động người nghiện đi cai nghiện, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Tỉnh cũng xây dựng, triển khai thí điểm mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” tại 6 xã, phường, thị trấn trọng điểm về người nghiện ma túy. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, 6 Điểm tư vấn đã thực hiện tư vấn về các hình thức điều trị nghiện ma túy, dự phòng tái nghiện, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho 4.465 lượt người nghiện, gia đình người nghiện ma túy và người sau cai nghiện. Thông qua hoạt động mô hình đã kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tạo việc làm cho 21 người, đề xuất UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ 8 người được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất với tổng số tiền là 170 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về đổi mới công tác cai nghiện ma túy và cai nghiện ma túy bằng các loại thuốc của Việt Nam sản xuất, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex. Đề án đã giúp cho người nghiện ma túy có thêm cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bản thân, theo đó, chỉ tiêu thí điểm điều trị cho 120 người; thời gian thực hiện thí điểm Đề án là 36 tháng. Đến nay, có 41 người nghiện ma túy tham gia cai nghiện bằng thuốc Cedemex, trong đó, có 18 người cai tại gia đình, cộng đồng, 23 người cai tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.

 

Top