Phụ nữ Ấn Độ vẫn bất an khi ra đường

21/12/2014 16:08

Đêm mưa phùn lạnh lẽo giữa tháng 12, hai nhân viên cảnh sát trong bộ đồng phục kaki, khoác trên mình chiếc áo khoác màu vàng huỳnh quang đứng giữa những hành khách tại một trạm xe buýt ở quận Munirka của Thủ đô New Delhi. Thỉnh thoảng họ bước ra chặn các xe buýt chạy ngang qua và leo lên kiểm tra. Một chiếc xe cảnh sát cũng dừng lại để hỗ trợ.

Sở dĩ an ninh được thắt chặt tại khu vực này là do vừa tròn 2 năm vụ một nữ sinh viên y khoa bị hiếp dâm tập thể gây hoang mang dư luận. Ngày 16-12-2012, cô Jyoti Singh Pandey, 23 tuổi, đã vô tình bước lên một chiếc xe buýt không đăng ký, để rồi sau đó bị 6 gã đàn ông cưỡng bức và đánh đập. Nạn nhân đã tử vong hai tuần sau đó dù được đưa đến Singapore điều trị. Sự kiện này đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trên toàn quốc, buộc chính quyền Ấn Độ thắt chặt pháp luật về tội phạm tình dục.

 

 Đốt nến tưởng nhớ nạn nhân trong vụ hiếp dâm chấn động Ấn Độ hồi năm 2012. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, 2 năm sau vụ hiếp dâm chấn động đó, tình hình an ninh tại đây vẫn không mấy khởi sắc. Cảnh sát dường như hoạt động theo kiểu “cho có” trong khi các cam kết của chính phủ, từ trang bị đèn đường, cải thiện giao thông công cộng đến triển khai cảnh sát tuần tra không được thực hiện đầy đủ. “Cảnh sát chỉ mới xuất hiện tại trạm xe buýt này một vài ngày gần đây, có lẽ là do đang diễn ra lễ kỷ niệm. Họ trước đó không bao giờ đến đây. Tôi không bao giờ thấy họ xuất hiện tại các trạm xe buýt khác vào ban đêm. Mọi thứ thay đổi không nhiều. Tôi không cảm thấy an toàn hơn chút nào” - sinh viên Meghlai Lama cho biết.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 16/12, 91% trong số 2.557 phụ nữ được khảo sát nói rằng cảm giác an toàn không được cải thiện chút nào kể từ khi xảy ra vụ việc, trong khi 86% cho biết tránh đi ra ngoài một mình vào ban đêm. Phản ứng trước kết quả khảo sát, các quan chức cảnh sát và chính phủ khẳng định một loạt biện pháp đã được đưa ra nhằm cải thiện sự an toàn cho phụ nữ, bao gồm ban hành luật cho phép tử hình đối với những kẻ hiếp dâm, triển khai các tòa án lưu động để có thể nhanh chóng xử lý những trường hợp bạo lực đối với phụ nữ, cài đặt GPS trên hơn 6.300 xe buýt, mở các lớp học về giới tính cho cảnh sát cũng như các lớp học tự vệ cho học sinh… Tuy nhiên, mọi việc dường như không thay đổi, duy chỉ có một sự thay đổi đáng kể nhất là chuyện các nạn nhân đã mạnh dạn đứng ra tố giác tội phạm. Kể từ đầu năm đến ngày 15/11, 13.230 trường hợp bạo lực đối với phụ nữ đã được ghi nhận tại New Delhi, cao hơn nhiều so với con số 11.479 cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, hiện các bé gái và phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt với một loạt mối đe dọa, từ nạn buôn bán người, bạo lực tình dục đến tảo hôn hay bị tấn công bằng axít. New Delhi, nơi được mệnh danh là “Thủ đô hiếp dâm” của Ấn Độ, cũng không ngoại lệ. Thành phố 16 triệu dân này được xếp thứ 4 trong danh sách các đô thị nguy hiểm nhất đối với phụ nữ trên các phương tiện công cộng, và xếp thứ 2 về mức độ mất an toàn vào ban đêm. Tính trung bình, khoảng 40 trường hợp bạo lực đối với phụ nữ được cảnh sát New Delhi ghi nhận hàng ngày, trong đó có ít nhất 4 vụ hiếp dâm.

Top