Phòng, chống bạo lực tình dục: Vẫn còn những khoảng trống

04/12/2019 15:06

Về thực trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, các chuyên gia tham dự Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4 cho rằng, hiện còn rất nhiều khoảng trống. Cơ hội để thực hiện các nghiên cứu còn hạn chế, số liệu báo cáo thì không đầy đủ.

Giật mình với những con số

Bạo lực tình dục là bất kỳ hành vi tình dục nào của một người đối với một người khác mà không được sự đồng ý của người đó hoặc người đó bị ép buộc phải chấp nhận. Bạo lực tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, trong gia đình, nơi làm việc, trường học, các địa điểm công cộng kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng và trong không gian ảo.

Bạo lực tình dục là vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ cộng đồng và quyền con người, gây hậu quả trực tiếp và lâu dài đến sức khoẻ thể chất, tinh thần, tình dục và sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái. Cho dù bạo lực tình dục xảy ra trong mối quan hệ riêng tư, trong gia đình hay cộng đồng hoặc trong chiến tranh, nó đều vi phạm quyền và gây tổn thương sâu sắc cho nạn nhân.

Báo cáo của công an về xâm hại trẻ em cho thấy, từ 2008-2013, đã thụ lý 9683 vụ án với 11,444 bị cáo, trong đó: 1,812 vụ với 2.641 bị cáo bị xét xử về tội “hiếp dâm”, 3,276 vụ với 3.759 bị cáo bị xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em”. Trẻ em gái là nạn nhân chiếm tới 79% trong các vụ án xâm hại tình dục. Trong 4 năm từ 2014-2017, trung bình mỗi năm thụ lý 1,638 vụ, trung bình hai ngày phát hiện ít nhất 9 cháu bé bị xâm hại tình dục (Toà án Nhân dân Tối cao 2019)

Theo nghiên cứu của ILO Việt Nam & Navigos năm 2015, 17% ứng viên nhân sự cấp trung được phỏng vấn cho biết đã từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc.”

Với nhóm chị em bán dâm: gần 30% đã từng bị bạo lực tình dục, 22% bị cưỡng bức phải tiếp khách (IOM 2012).

Nghiên cứu của CCIHP năm 2012 cho thấy, 41% thanh thiếu niên là người đồng tính, song tính, chuyển giới bị kỳ thị , phân biệt đối xử và bạo hành, kể cả bạo hành tình dục.

 Phụ nữ nhiễm HIV cũng bị bạo lực tình dục giống như những phụ nữ không nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV nghiện ma túy thì nguy cơ càng cao. Họ cũng hay bị ngăn cấm mang thai, ép phá thai, triệt sản

Từ 2012-2017 phát hiện giải cứu 7,500 người, 90% là phụ nữ và trẻ em; 80% trong số đó bị cưỡng ép kết hôn, bán dâm và nô lệ tình dục. Từ 2016-6/2019: phát hiện 2.600 người bị bán qua biên giới, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, những con số trên chỉ là phần nổi vì phần lớn nạn nhân in lặng do sợ bị kỳ thị, đổ vỡ cuộc sống; sợ bị trả thù, thiếu dịch vụ hỗ trợ; sợ không được tin tưởng; tin rằng mình đáng bị như thế … Bên cạnh đó là quan niệm không đúng nhưng rất phổ biến về tình dục: Bạo lực tình dục là một phần của cuộc sống, là không tránh khỏi, là quyền của đàn ông và là điều phụ nữ phải chấp nhận.

Còn nhiều khoảng trống

Về thực trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, các chuyên gia tại hội nghị đều đồng ý còn rất nhiều khoảng trống. Cơ hội để thực hiện các nghiên cứu còn hạn chế, số liệu báo cáo thì không đầy đủ.

Các báo cáo thiếu thông tin về nạn nhân; các nhóm tuổi; học vấn ; hoàn cảnh gia đình; bối cảnh bị xâm hại; mức độ tổn thương/hậu qủa; thông tin về kẻ xâm hại …

Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng tình dục nhiều hơn 4 đến 5 lần so với trẻ em không khuyết tật nhưng khảo sát quốc gia về người khuyết tật không có thông tin về bạo lực giới/tình dục (Theo nghiên cứu của ACDC (2018): Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người trải qua bạo lực tình dục, còn nghiên cứu của CCIHP (2017), ISDS (2007) cho thấy, nhiều phụ nữ khuyết tật bị ép phải phá thai, triệt sản.

Bên cạnh đó, người dân hầu như chỉ nắm được thông tin về bạo lực tình dục qua báo chí. Việc thiếu số liệu chính thức đầy đủ, chi tiết về tình trạng bạo lực tình dục khiến chúng ta không thể hình dung quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhưng những tin bài trên báo chí hàng ngày lại có thể khiến cho công chúng hoang mang, lo lắng. Thiếu số liệu đầy đủ, chi tiết cũng sẽ không giúp cho việc thiết kế các chương trình can thiệp hiệu quả. Bạo lực tình dục với các nhóm đặc thù như người lao động di cư, người cao tuổi, hay với các nhóm thiểu số như cộng đồng người đồng tính, song tính chuyển giới và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội còn ít được biết đến và do vậy ít được giải quyết.

Những khoảng trống trong các quy định pháp luật và thực thi pháp luật cũng là một nội dung quan trọng được hội nghị đề cập. Việt Nam đang còn thiếu định nghĩa rõ ràng và đầy đủ về các tội danh tình dục như quấy rối tình dục, tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm... Đây là những kẽ hở mà một số người lợi dụng, bao biện để đánh tráo khái niệm hoặc trốn tránh trách nhiệm trước hành vi sai trái của mình. Thiếu những khái niệm rõ ràng và các định nghĩa cụ thể cũng là nguyên nhân gây ra những khoảng trống trong thực thi pháp luật, cản trở công tác điều tra, xác định tội danh và xử lý tội phạm. Vẫn còn nhiều khoảng trống cần được thu hẹp trong các quy trình, thủ tục tố tụng pháp luật dân sự, hành chính, hình sự. Các quy trình, thủ tục tố tụng hiện nay chưa thật sự chú ý đến những yếu tố đặc thù, riêng biệt của các hành vi và vụ việc bạo lực tình dục dẫn đến việc xây dựng và áp dụng quyrình, thủ tục, trình tự giải quyết chưa cụ thể, chưa phù hợp nên hạn chế hiệu quả thực hiện. Ngoài ra, các quy định về quyền và nghĩa vụ, phối hợp giữa những cơ quan, người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng cũng chưa được quy định cụ thể, phù hợp dẫn đến việc áp dụng pháp luật cũng trở nên khó khăn.

Một khoảng trống lớn đang tồn tại trong các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực tình dục. Những mô hình và sáng kiến của nhà nước và một số tổ chức xã hội vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Vẫn còn nhiều nạn nhân chưa thể tiếp cận đến những hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý và kinh tế cần thiết để vượt qua khủng hoảng và hậu quả của bạo lực tình dục mà họ phải trải qua.

Nhật Thy

Top