Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm là nhiệm vụ thường xuyên

01/11/2011 14:30

Sáng nay (1/11), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia.

 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp - Ảnh Chinhphu.vn

 

Báo cáo của cơ quan thường trực phòng, chống ma túy (Bộ Công an) cho biết, tình hình tệ nạn và hoạt động của tội phạm ma túy ở nước ta trong 10 tháng đầu năm còn diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên một số tình hình đáng quan ngại như tội phạm về ma túy ngày càng manh động hơn; các vụ chiết xuất, điều chế thành ma túy tổng hợp dưới các hình thức thủ công để sử dụng và tiêu thụ; đã phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng thăm thân nhân đưa ma túy vào trại giam, trại cải tạo; xuất hiện loại ma túy mới có tên PMMA là chất kích thích, tạo hưng phấn và cảm giác nhưng chưa có tên trong danh mục các chất ma túy bị cấm.

Bên cạnh đó, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện cũng xuất hiện tình hình mới như Quảng Ninh đã xuất hiện trồng cây thuốc phiện. Tình hình người nghiện ma túy tăng so với năm ngoái. Theo đó, đến 31/6/2011 đã có 149.900 người nghiện, tăng 6.704 người so với cùng kỳ. Đặc biệt, người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, nhất là dạng đá tiếp tục gia tăng tại các thành phố lớn, với sự tham gia của học sinh, sinh viên.

Về tình hình phòng, chống AIDS, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, dịch HIV/AIDS vẫn đang trong giai đoạn tập trung, chủ yếu ở nhóm có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm…

Tính đến 30/9/2011, cả nước có 193.350 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 47.030 bệnh nhân AIDS và đã có 51.306 người tử vong do HIV/AIDS.

Trong đó, phân bố nhiễm HIV theo giới thì nam giới chiếm khoảng 69%, nữ giới là 31% và đang có xu hướng tăng dần với nữ giới; độ tuổi người nhiễm tập trung nhóm 20-39 tuổi; người nhiễm theo đường lây HIV chủ yếu qua đường máu với 48%, qua đường tình dục là 40%, từ mẹ sang con là 2% và 9% chưa thống kê được nguyên nhân lây truyền.

Qua phân tích tỷ lệ người nhiễm HIV cho thấy, nhóm nghiện chích ma túy vẫn chiếm chủ yếu với tỷ lệ 43,1%, cao hơn 5% so với cùng kỳ, nhóm đối tượng tình dục khác chiếm 21%, tăng khoảng 8% và các nhóm đối tượng khác chiếm 16,2%.

Về tình hình phòng, chống mại dâm; cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, trá hình, tinh vi dưới nhiều hình thức và gây quan ngại cho người dân sống xung quanh khu vực có tụ điểm mại dâm.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 14.802 đối tượng trong tổng số ước trên 30.000 người bán dâm.

Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tiếp tục đổi mới và được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Một số địa phương đã chủ động sắp xếp lại hệ thống trung tâm cai nghiện, quan tâm hơn đến hoạt động các hoạt động y tế tại cơ sở chữa bệnh, tiếp tục củng cố các mô hình cai nghiện tại cộng đồng; bước đầu rà soát hệ thống cai nghiện trong cả nước để đề xuất phương án quy hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm cai nghiện.

Ảnh Chinhphu.vn

Theo các đại biểu, công cuộc đấu tranh phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là quá trình rât khó khăn, gian khổ của các cấp, các ngành và nhân dân. Do đó, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng và hệ thống chính trị, trong đó chú trọng đến nâng cao công tác truyền thông, đặc biệt là đối với địa bàn miền núi, vùng cao và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần có rà soát, đánh giá hoạt động của 40 trung tâm cai nghiện hiện nay, xem tính hiệu quả đến đâu để có giải pháp đầu tư. Đi sâu vào thực tiễn xem xét việc lan truyền của các đối tượng mại dâm như truyền thông mạnh mẽ hơn đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường việc phối hợp giữa các cơ quan thành viên trong ba mảng của Ủy ban Quốc gia là phòng chống AIDS, phòng chống ma túy và phòng chống mại dâm. Tăng cường tuyên truyền để cộng động xã hội nhận thức được sự nguy hại của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đối với cộng đồng và sự phát triển của giống nòi.

Cũng tại phiên họp này, lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng báo cáo và nêu bật quá trình kiện toàn, xây dựng trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia tại địa chỉ www.tiengchuong.vn thật sự hiệu quả theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia nhằm mục tiêu xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử của Ủy ban Quốc gia, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia; xây dựng trang thông tin thân thiện với nhiều tiện ích ứng dụng và cung cấp thông tin phong phú cho độc giả như một tiếng chuông thức tỉnh, động viên, nhắc nhở đối với toàn xã hội về công tác này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, địa phương và hoạt động của các thành viên Ủy ban Quốc gia trong thời gian qua. Đồng thời cùng giao cho các bộ, ngành, thành viên của Ủy ban trong chức trách, nhiệm vụ của mình cần có đề xuất, tham mưu, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể đối với công tác này.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc đề ra các giải pháp kiềm chế và có hướng đẩy lùi đại dịch AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm. Đặc biệt, các giải pháp phải tính đến sự bền vững của chương trình và hạn chế nguy cơ tiềm ẩn bùng phát của các tệ nạn này.

Phó Thủ tướng lưu ý, Ủy ban Quốc gia phải đánh giá đúng tình hình, đề xuất các biện pháp giải quyết, không để bệnh thành tích, quan liêu, kém sâu sát, số liệu chưa đầy đủ dẫn đến việc xử lý không hiệu quả và phải xác định đây là việc làm thường xuyên các các cấp, các ngành chứ không phải làm theo kiểu phong trào, theo đợt hay chiến dịch. Thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền vận động, xử lý phê bình, thẩm tra, tìm nguồn lực cụ thể.

Theo đó, các bộ, ngành thành viên sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật trình cấp có thẩm quyền về các nội dung có liên quan đến từng lĩnh vực, thúc đẩy công tác này đi vào chiều sâu và có hiệu quả tích cực.

Top