Phối hợp với các nước láng giềng để ngăn chặn, đánh bắt tội phạm từ xa

30/07/2019 09:13

Tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động. Các đường dây tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức chặt chẽ, sẵn sàng chống trả quyết liệt, gây thương vong cho lực lượng chức năng khi bị truy bắt.

BĐBP Sơn La phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) bắt giữ đối tượng Thạ Lênh Ha, trú tại KM 62, huyện Chom Phết, tỉnh Luông Pha Băng, Lào cùng 10 bánh heroin trong Chuyên án 110Lv

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt đang đặt ra yêu cầu lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP tìm phương án đấu tranh với tội phạm ma túy, đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn.

6 tháng, bắt giữ được gần 1 tấn ma túy

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, trong 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP đã bắt giữ 5.216 vụ/8.429 đối tượng tội phạm các loại (giảm 26 vụ, tăng 66 đối tượng so với 6 tháng đầu năm 2018). Tang vật thu giữ gồm 927kg ma túy các loại.

Điều đáng lưu ý là, riêng tội phạm ma túy, số đầu vụ giảm nhưng tang vật tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng đối tượng phạm tội giảm khoảng 40%. Đặc biệt, đối tượng, vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy giảm, nhưng tang vật tăng 40%. Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, ma túy tổng hợp gia tăng đột biến, với công nghệ sản xuất mới, nguồn tài chính đầu tư lớn từ nước ngoài.

Sau khi lực lượng chức năng tiến hành đấu tranh, ngăn chặn mạnh ở khu vực biên giới phía Bắc, đặc biệt là biên giới Sơn La, các đối tượng tội phạm ma túy có xu hướng chuyển dần địa bàn hoạt động xuống các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Lượng tiền chất để sản xuất ma túy nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ

Theo báo cáo của BĐBP, hiện nay, lượng tiền chất để sản xuất các loại ma túy nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu Thái Lan và Lào không ngăn chặn tốt thì nguồn hàng này sẽ vào Việt Nam. Vì thế, tạo áp lực rất lớn đối với Việt Nam trong công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Một điểm mới phát hiện trong hoạt động của tội phạm ma túy trên lãnh thổ Việt Nam thời gian qua, đó là, có sự tham gia của người nước ngoài với vai trò chỉ huy, trực tiếp cầm đầu đường dây để vận chuyển ma túy trên lãnh thổ Việt Nam và quá cảnh đi nước khác. Bên cạnh đó, trong địa bàn nội địa, sự xuất hiện ngày càng nhiều quán bar, karaoke, tạo thị trường lớn tiêu thụ ma túy.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện tại nhiều quán bar, karaoke có nhiều đối tượng khách hàng sử dụng ma túy tổng hợp,  kể cả cán bộ như bác sĩ, giáo viên, nhân viên ngân hàng... Các loại ma túy phát hiện ở những khu vui chơi, giải trí, đó là ma túy thế hệ mới, rất nguy hiểm, tác động trực tiếp vào hệ thần kinh. Các con số thống kê cũng cho thấy, có tới 70-80% người sử dụng ma túy tổng hợp là người trẻ, đâu quả là những con số rất đáng báo động.

Thực tế, qua các vụ việc mà cơ quan chức năng điều tra, bắt giữ về hành vi sản xuất ma túy tổng hợp tại các tỉnh Quảng Bình, Lạng Sơn, TPHCM... phát hiện có những đối tượng khai nhập tiền chất để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuốc thú y... Thủ đoạn này ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong kiểm soát hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma túy.

Bên cạnh công tác đánh bắt, ngăn chặn, BĐBP, Công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy. Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế chưa đáp ứng được mong đợi. Trong khi đó, các đối tượng tội phạm ma túy đối phó rất mạnh, ngày càng manh động, sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” chống trả lực lượng chức năng. Và trên thực tế, cán bộ BĐBP cũng đã chịu thương vong khi truy bắt tội phạm ma túy trong thời gian gần đây.

Phối hợp với các nước láng giềng để ngăn chặn, đánh bắt tội phạm từ xa

Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn cho lực lượng đánh án. Tại Hội nghị Đảng ủy BĐBP 6 tháng đầu năm mới tổ chức gần đây, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP nhấn mạnh, trong bối cảnh tội phạm ma túy ngày càng liều lĩnh, manh động, tinh vi, chúng ta cần tiếp tục đổi mới phương thức đấu tranh với loại tội phạm này để đảm bảo an toàn, hiệu quả, trong đó, yếu tố an toàn cho cán bộ làm nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu. Trong đấu tranh với tội phạm ma túy phải kết hợp các biện pháp công tác biên phòng, kết hợp giữa biện pháp công khai và bí mật, nghiệp vụ và kỹ thuật.

Cũng tại hội nghị này, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, cho rằng không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là làm tốt nghiệp vụ điều tra cơ bản. Tuy nhiên, việc triển khai công tác nghiệp vụ của chúng ta bây giờ phải đề cao yếu tố trinh sát kỹ thuật để hạn chế thương vong. Muốn làm được vậy, cần đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và đội ngũ cán bộ. Ở những khu vực trọng điểm, địa bàn giáp ranh, nhất là nơi có đường mòn, lối mở, cần tổ chức tuần tra vũ trang, kiểm soát liên tục để răn đe, cảnh báo giống như các chuyên án, kế hoạch trấn áp tội phạm tại khu vực biên giới Sơn La. Bên cạnh triển khai tốt công tác trinh sát kỹ thuật, cần đẩy mạnh phối hợp với công an và lực lượng chức năng nước láng giềng để ngăn chặn, đánh bắt tội phạm từ xa, từ ngoài biên giới.

Ở khía cạnh sử dụng phương tiện, nghiệp vụ, cần tăng cường sử dụng chó nghiệp vụ trong các chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm ma túy. Bởi thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng chó nghiệp vụ do nhà trường đào tạo trong tổ chức tìm kiếm cứu nạn, truy lùng tội phạm, tuần tra biên giới, bảo vệ mục tiêu...

Top