Phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản

11/07/2012 09:48

Theo một nghiên cứu mới, trên thế giới, khoảng 222 triệu phụ nữ mong muốn tránh thai hoặc trì hoãn mang thai nhưng chưa được tiếp cận tới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả. Gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong quá trình sinh nở.

Ảnh: Việt Hà

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2012. 

Hưởng ứng chủ đề “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản” của Ngày Dân số Thế giới năm nay, Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy đạt được mục tiêu tăng cường sức khỏe bà mẹ (1 trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ), tập trung vào chủ đề “Đạt được tiếp cận phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản vào năm 2015”.

Hiện nay trên toàn thế giới, các vấn đề bất cập về sức khỏe sinh sản vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo một nghiên cứu mới của Viện Guttmacher và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, khoảng 222 triệu phụ nữ mong muốn tránh thai hoặc trì hoãn mang thai nhưng chưa được tiếp cận tới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả. Gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong quá trình sinh nở. Khoảng 1,8 tỷ thanh niên đang bước vào tuổi sinh đẻ nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe của họ.

Số liệu từ  Bộ Y tế và các điều tra dân số  khác cho thấy Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường độ bao phủ  kế hoạch hóa gia đình, các dịch vụ làm mẹ  an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Chiến lược dân số, sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ số 2013/QĐ – TTg ngày 14/11/2011 và đang được triển khai đồng bộ trong cả nước với các mục tiêu cao cả là: “Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thấp hợp lý; tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng; thích ứng với giai đoạn già hóa dân số; cải thiện sức khỏe sinh sản, kể cả sức khỏe sinh sản vị thành niên; tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện chất lượng giống nòi; nâng cao chất lượng giống nòi; nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người.

Theo Bà Mandeep K.O’Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam, đầu tư cho vị thành niên và thanh niên có thể thúc đẩy cuộc chống đói nghèo, HIV, AIDS, thu hẹp khoảng cách kinh tế- xã hội và chống phân biệt đối xử. Nếu chúng ta không đáp ứng quyền được giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền được bảo vệ thì vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ tiếp tục duy trì và sẽ tước bỏ cơ hội phát triển toàn diện hết tiềm năng của vị thành niên và thanh niên để họ có thể trở thành những công dân khỏe mạnh và lao động hiệu quả của xã hội.

Theo thông điệp từ Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, để duy trì động lực đạt được mục tiêu của Chiến lược dân số, sức khỏe sinh sản và mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường sức khỏe bà mẹ tại tất cả các thôn xã trên địa bàn cả nước, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản cho các nhóm dân số thiệt thòi nhất, và cần phải củng cố kiến thức kỹ năng và thái độ của những người cung cấp dịch vụ công và tư về chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản.

Top