Phát triển các cơ sở điều trị tự nguyện

23/01/2015 11:15

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015 diễn ra ngày 22/1.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chuyển sang mô hình trung tâm cai nghiện tự nguyện, vừa giảm chi phí, căng thẳng của xã hội, vừa theo đúng tinh thần mà Hiến pháp, pháp luật về quyền con người, đảm bảo quyền lợi của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các trung tâm.

Học viên học nghề tại một trung tâm cai nghiện

“Không chỉ những ai đóng tiền mới được vào trung tâm mà ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ những trường hợp không có điều kiện. từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng điều trị của các trung tâm cai nghiện”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Bộ LĐTB&XH cùng các địa phương đánh giá lại hiệu quả cai nghiện, điều trị người nghiện ma túy tại các trung tâm trước thực tế tỷ lệ tái nghiện rất cao; chưa coi trọng yếu tố điều trị, sử dụng các loại thuốc như Methadone cho người nghiện theo nghĩa là người mắc bệnh mãn tính…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý tại Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó, trong thời gian tới đây các Trung tâm trên cả nước dự kiến sẽ từng bước được chuyển đổi thành các cơ sở điều trị tự nguyện, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện trong giai đoạn mới.

Đối với Trung tâm có quy mô dưới 200 đối tượng, thuộc các tỉnh có nhiều Trung tâm và thường xuyên có số người cai nghiện dưới 50% so với công suất, sẽ được chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình Cơ sở điều trị tự nguyện. Đối với những Trung tâm có quy mô đối tượng lớn hơn nếu có điều kiện thuận lợi thì chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Đến năm 2015, 80 Trung tâm trên cả nước được thí điểm chuyển thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, trong đó có 40 Trung tâm chuyển đổi hoàn toàn và 40 Trung tâm chuyển một phần. Giai đoạn 2016-2020, các Trung tâm thí điểm chuyển đổi được hoàn thiện và đi vào hoạt động với đầy đủ chức năng của cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình các Trung tâm, các cơ sở điều trị nghiện thay thế, các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, các cơ sở Y tế (Trung tâm y tế huyện, khoa, bệnh viện tâm thần), các cơ sở hỗ trợ xã hội cũng sẽ được tiến hành rà soát để quy hoạch cải tạo, nâng cấp thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có 140 cơ sở điều trị thay thế được nâng cấp thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.

Những cơ sở cai nghiện dân lập cũng sẽ được nâng cấp, phát triển thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện dân lập. Đến năm 2020, sẽ thành lập 30 cơ sở điều trị nghiện dân lập.

 
Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đặt mục tiêu, 100% người nghiện tự nguyện cai nghiện.
.
Theo đó, Sở sẽ tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho người nghiện bằng nhiều hình thức để đạt 100% người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tại UBND phường, xã, thị trấn. 100% người nghiện ma túy được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú được chính quyền địa phương giúp đỡ ổn định cuộc sống, khống chế tỉ lệ tái nghiện không quá 50%.

Top