Nỗi sợ quấy rối tình dục tràn lan của phụ nữ Pháp

29/07/2015 09:54

Phụ nữ sống và làm việc tại thủ đô Paris của Pháp ngày càng lo ngại về nguy cơ quấy rối tình dục công khai giữa phố hoặc trên các chuyến tàu điện ngầm.

Tình trạng quấy rối phụ nữ ở Paris diễn ra ngày càng phổ biến ở nơi công cộng trên tàu điện ngầm

Tháng 4 vừa qua, Hội đồng Bình đẳng Giới tại Pháp đã có cuộc khảo sát đối với 600 phụ nữ ở Paris về tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng. Trong đó, 100% người tham gia khảo sát đã khẳng định họ từng đối mặt hành vi quấy rối tình dục ít nhất một lần. Các hình thức quấy rối bao gồm huýt sáo trêu chọc, chửi bới, xúc phạm, lợi dụng va chạm cơ thể hoặc thậm chí tồi tệ hơn.

Camille Regnier, một nữ diễn viên 21 tuổi, vẫn cảm thấy ám ảnh sau khi cô vô tình chứng kiến một người đàn ông thủ dâm. Sự việc xảy ra khi cả hai đi cùng toa trên tàu điện ngầm. Anh ta biết cô gái đang chú ý nhưng không dừng hành động này, thậm chí còn nhìn chằm chằm vào Camille với vẻ đe dọa. 

"Đây không phải lần đầu tiên tôi trải qua chuyện như vậy. Tại sao họ không tôn trọng phụ nữ chút nào? Tôi cảm thấy mệt mỏi khi sống ở thành phố này", Camille viết trên Facebook.

Một phụ nữ 26 tuổi cho hay: "Đàn ông Paris có rất nhiều hành động sỗ sàng với nữ giới. Dường như họ không quan tâm tới việc những lời nói hoặc hành động của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến người khác. Tôi thà đợi một chuyến tàu khác còn hơn bước lên một toa quá nhiều đàn ông". 

Đầu tháng 5, nhiều nữ nhà báo cùng ký tên trong thư trên tờ Libération (Pháp). Trong thư, họ tố cáo việc các chính trị gia quấy rối họ bằng "những ngôn từ không đứng đắn và xúc phạm". 

"Họ là các quan chức đắc cử với nhiệm vụ xây dựng chính sách để dẫn dắt chúng ta. Do vậy, chúng tôi buộc phải lên tiếng trước hành động sai trái của họ", nhóm nhà báo nữ viết.

Để trấn an phụ nữ tại Paris, hồi đầu tháng 7 Chính phủ Pháp công bố nhiều biện pháp chống quấy rối tình dục nơi công cộng. Đây là kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quyền Phụ nữ, Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông. 

Bộ trưởng Bộ Quyền Phụ nữ, bà Pascale Boistard, khẳng định: "Những hình thức quấy rối có thể dẫn đến hành vi nghiêm trọng hơn như cưỡng hiếp. Chúng không phải là hành động vô hại và xã hội cần nghiêm trị chúng theo luật". 

Một trong những biện pháp để bảo vệ phụ nữ là xây dựng hệ thống trình báo về hành vi quấy rối. Mức phạt hành chính cao nhất có thể là 5 năm tù hoặc 75.000 euro (tương đương 83.000 USD). Chính phủ cũng khuyến khích người dân can thiệp nếu họ thấy hành vi quấy rối tình dục.

Tình trạng quấy rối phụ nữ ở chốn đông người từng diễn ra phổ biến ở Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ. Chính phủ những quốc gia này đều thiết lập những phương tiện giao thông công cộng, bao gồm xe buýt và tàu điện ngầm, dành riêng cho phụ nữ.
Top