Những mô hình tiêu biểu: Giúp thanh niên xóa bỏ mặc cảm, làm lại cuộc đời

21/09/2019 09:24

Gần 1.000 thanh niên lầm lỡ sa vào con đường ma túy, tù tội được Hội LHTN Nghệ An nhận giúp đỡ và rất nhiều người trong số họ đã đứng dậy, làm lại cuộc đời.

Thanh niên Nghệ An tình nguyện mở đường dân sinh tại các huyện miền núi Nghệ An

Thoát khỏi bóng tối mặc cảm

18 tuổi, Nguyễn Thanh Quân (ngụ xã Nghĩa Bình, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An) theo bạn bè đi cắt trộm đường dây cáp quang để bán và bị lãnh 18 tháng tù. “Khi cánh cửa trại giam đóng lại sau lưng, tôi nghĩ tương lai của mình đã chấm hết. Tôi chán chường, muốn buông xuôi tất cả”, Quân kể. Mãn hạn tù, mặc cảm về thân phận tù tội luôn ám ảnh, đè nặng lên chàng thanh niên này. Cậu thấy hoang mang, bế tắc và tự thu mình lại, không dám gần gũi mọi người, kể cả người thân. Cho đến khi các thành viên trong CLB Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi của Chi hội LHTN xã đến gõ cửa nhà Quân, cuộc đời cậu bắt đầu thay đổi.

“Tham gia CLB, tôi được các anh chị động viên, tạo cơ hội giao lưu với các bạn, hòa vào những hoạt động thiện nguyện, giúp tôi bắt đầu thấy tự tin hơn”, Quân nói.

Rồi Quân cưới vợ và tìm được công việc ổn định tại một doanh nghiệp lớn đóng gần nhà. “Cầm đồng tiền lương thiện, trong sạch bằng chính sức lao động của mình, thấy sướng lắm. Quan trọng nhất là tôi đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, nhận được nhiều tin yêu của gia đình, người thân và bạn bè. Bây giờ, tôi nghĩ rằng điều vinh quang nhất của con người không phải không bao giờ vấp ngã mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã. Khi lỡ vấp ngã, hãy tự tin đứng dậy, bởi bên cạnh mình luôn có sự yêu thương, chia sẻ của nhiều người”, Quân nói.

Mẹ mất từ rất sớm, bố thì dính vòng lao lý, Thái Hữu Kiều (xã Hưng Chính, TP.Vinh, Nghệ An) sống với ông bà ngoại. Cậu vẫn học tốt và đạt học sinh giỏi cấp huyện cho đến lớp 8. Nhưng rồi Kiều nghiện trò chơi điện tử và đến lớp 9 thì bỏ học, theo đám bạn trộm cắp lấy tiền chơi ma túy, sống vật vờ ở quán xá, bụi bờ. “Về nhà thì bố mắng chửi, ra đường ai cũng nghĩ mình là đứa nghiện ma túy và xa lánh nên càng thấy cô đơn, chán chường”, Kiều kể.

Năm 2015, khi 22 tuổi, Kiều được một người quen động viên, khi có việc đều gọi Kiều đến làm và trả tiền công khá cao khiến cậu bắt đầu nhận ra giá trị của lao động. Sau đó, Chi hội trưởng thanh niên xóm 8, nơi Kiều ở, cũng tiếp cận động viên, rủ Kiều tham gia các hoạt động thiện nguyện, văn nghệ của Đoàn, Hội. Được sống trong môi trường lành mạnh với những người bạn mới, Kiều bắt đầu thoát dần ra khỏi cái vỏ ốc mặc cảm. Kiều đi học cắt tóc rồi mở quán và tạo dựng thương hiệu tóc Gun Barber Shop. Sau 3 năm nỗ lực, đến nay cửa hàng của Kiều đã tạo được việc làm cho 4 người khác.

Kiều cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Đoàn, Hội tại địa phương như cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo, người già neo đơn và góp quỹ từ thiện, mở các khóa học cắt tóc miễn phí cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. “Những người quen tốt bụng, những anh chị của Hội LHTN đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho tôi để tôi thoát ra được bóng tối. Cảm giác chung của những người rơi vào lầm lỗi là rất dễ tự ti, mặc cảm. Vì vậy, họ rất cần sự đồng cảm, chia sẻ của những người xung quanh”, Kiều nói.
 
Bạn giúp bạn, xã hội bớt gánh nặng

Quân và Kiều là hai trong số nhiều thanh niên ở Nghệ An đã được “đánh thức” khỏi sự tự ti, mặc cảm và lỗi lầm. Mô hình mỗi chi hội đảm nhận và giúp đỡ ít nhất một thanh niên sa ngã, có hoàn cảnh éo le, bất hạnh được Hội LHTN Nghệ An đưa vào chương trình hành động từ nhiều năm nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua.

Anh Phan Văn Hiển, Chủ tịch Hội LHTN H.Nghĩa Đàn, đánh giá mô hình này rất thiết thực vì thực sự những thanh niên lầm lỗi, có hoàn cảnh éo le thường có tâm lý mặc cảm, rất cần có người gần gũi để cảm thông, chia sẻ. Có nhiều thanh niên trong số này không phải là đoàn viên, nên khi anh em trong Hội LHTN tiếp cận, chia sẻ, họ liền sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện và nhanh chóng thay đổi suy nghĩ, hành động. Mô hình này đã giúp được những người lầm lỡ làm lại cuộc đời và khi họ đã vượt qua được chính mình sau đó họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền pháp luật, ý thức sống đẹp cho nhiều thanh niên khác.

Anh Chu Đức Thái, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Nghệ An, cho biết đến nay mô hình này của Hội LHTN Nghệ An đã nhận giúp đỡ gần 1.000 thanh niên chậm tiến, trong đó có 67 thanh niên mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng. Ở nhiều Hội LHTN cấp huyện, mô hình này được thực hiện rất tốt, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Cách giúp đỡ chủ yếu là gần gũi, chia sẻ, động viên, đã làm thay đổi quan điểm sống, nhận thức và cả hành động của những thanh niên từng lỡ sa vào lầm lỗi. Một số mô hình ở huyện còn hỗ trợ vốn vay để những thanh niên này có cơ hội làm ăn, xây dựng lại cuộc đời.

Top