Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

29/07/2015 13:59

Theo Ban Soạn thảo, Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) có tên gọi mới là Luật trẻ em gồm 6 chương, 71 điều, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành.

Thứ nhất là về khái niệm trẻ em, Dự thảo Luật đã mở rộng khái niệm cả về độ tuổi và phạm vi. Điều 1 Dự thảo Luật quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như quy định tại Luật năm 2004. Quy định này bảo đảm phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, ngoài việc bảo đảm quyền của trẻ em là công dân Việt Nam, Việt Nam còn ghi nhận các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người của mọi trẻ em, không phân biệt quốc tịch và đang sinh sống tại Việt Nam. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.

Ảnh minh hoạ

Các luật của chúng ta hiện nay đều quy định ngưỡng thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi: Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bầu cử Quốc hội, Luật bầu cử Hội đồng nhân dân... Như vậy, quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm và củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ, tức là tuổi thành niên và  chưa thành niên).

Vấn đề điều chỉnh độ tuổi trẻ em đã được đánh giá cụ thể về mặt khoa học, hội nhập quốc tế và về hệ thống pháp luật. Các nội dung này đã nêu trong báo cáo thuyết minh của dự án Luật.

Thứ hai, Trong các từ ngữ được giải thích tại Điều 5, thuật ngữ “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” của Luật năm 2004 được sửa đổi, bổ sung thành “trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt”, bao gồm cả nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại để phù hợp với cách tiếp cận mới của Luật, chú trọng đến giai đoạn phòng ngừa, hỗ trợ bên cạnh việc can thiệp khi trẻ em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật bổ sung các thuật ngữ như bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế, người chăm sóc trẻ em, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, các hành vi gây tổn hại cho trẻ em…

Thứ ba, trên cơ sở kế thừa Luật năm 2004 về các nguyên tắc cơ bản thực hiện quyền trẻ em, Điều 6 Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em; bình đẳng, không phân biệt đối xử; vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và bổ sung nguyên tắc tôn trọng ý kiến của trẻ em.

Thứ tư, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật năm 2004 thành 18 nhóm hành vi bị nghiêm cấm.

Thứ năm, Dự thảo Luật cũng quy định rõ nguồn lực thực hiện các quyền trẻ em nói chung và nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em nói riêng - đây là điểm mới trong Luật này: với mục tiêu nhằm bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành; ưu tiên phân bổ nguồn lực hàng năm, bố trí nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt ở các cấp.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Top