Người cai nghiện bằng Methadone gặp khó vì thủ tục

21/11/2014 14:28

Nhiều người sử dụng ma túy có nhu cầu đăng ký điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục đăng ký hồ sơ.

Anh Trần Minh Thắng chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Cộng đồng với việc thực hiện Chương trình Methadone do Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội.

Thủ tục hành chính chưa thuận lợi

Cai nghiện bằng Methadone được chứng minh là tiết kiệm, an toàn cho người nghiện, hạn chế tái nghiện và phòng tránh lây nhiễm HIV. Mặc dù được phát thuốc điều trị miễn phí nhưng nhiều người nghiện vẫn e dè tiếp cận với các cơ sở điều trị Methadone. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính đưa người nghiện vào điều trị Methadone chưa thuận lợi, trong đó có việc người nghiện phải có xác nhận của chính quyền địa phương là không thuộc đối tượng phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Chia sẻ tại hội thảo, anh N.T.H - một người sử dụng ma túy muốn được điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone cho biết: “Thủ tục xét chọn rườm rà, thời gian chờ đợi lâu, phải đi năm đến sáu nơi để lấy nhiều con dấu xác nhận. Tôi làm gần hai tháng rồi mà vẫn chưa xong thủ tục vì không có người xác nhận”.

Anh Trần Minh Thắng, thành viên Ban điều hành người nghiện ma túy chia sẻ, bản thân anh đã không dưới 20 lần cai nghiện tại nhà nhưng không hiệu quả. Chỉ khi dùng Methadone, anh mới không còn cảm giác thèm heroin. Tuy nhiên, nhiều người nghiện vì ngại lộ diện, không muốn đến địa phương xin xác nhận hộ khẩu thường trú và không thuộc đối tượng đi cai bắt buộc nên đã… lỡ cả cuộc đời.

“Mặt khác, việc đăng ký cai nghiện bằng Methadone ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Có nơi vì ít người đăng ký nên phải chờ tới 4 tháng mới được duyệt hồ sơ và uống thuốc. Trong khoảng thời gian này, có người đã mất”, anh Thắng nói.

Trong khi đó, một người nghiện ma túy khác đang làm hồ sơ xin cai nghiện bằng Methadone cho biết: “Tôi đang làm hồ sơ xin đi cai bằng Methadone nhưng vẫn chưa xong. Khi đến UBND phường xin xác nhận, họ bảo sang xin công an, đến công an lại bảo họ không có thẩm quyền. Đến Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng để kiểm tra là có bị nghiện không họ lại đưa sang Bệnh viện Thanh Nhàn để kiểm tra phổi, lao, máu, gan, HIV, đo huyết áp…”.

Rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sau bốn tháng thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh cai nghiện bằng thuốc Methadone trên toàn quốc, đến nay cả nước đã có gần 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị. 

Điều trị bằng Methadone rẻ hơn điều trị cai nghiện bắt buộc 12 lần, với tỉ lệ tuân thủ điều trị đạt 90%. Còn cai nghiện bắt buộc, tỉ lệ tái nghiện lên tới 90%. Theo quy định, thời gian xét duyệt hồ sơ điều trị cai nghiện bằng Methadone là 10 ngày nhưng thực tế tại nhiều địa phương người nghiện phải mất vài tháng mới có thể tiếp cận được thuốc điều trị.

Đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc cai nghiện bằng Methadone, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho rằng, phải rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, từ đưa người vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc sao cho đơn giản, thuận tiện. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai mô hình “Điểm cấp phát thuốc” tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi để thuận tiện cho người nghiện đến uống thuốc hàng ngày.

Về lâu dài, để đảm bảo kinh phí cho chương trình điều trị methadone, ngoài nguồn viện trợ và ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa. Nhưng hơn hết, người nghiện phải chủ động tìm đến các cơ sở điều trị methadone và thực hiện nghiêm các quy định.

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện ngành y tế đang đẩy mạnh việc rà soát lại quy trình trong quá trình điều trị cũng như hồ sơ để tiết giản tối đa cho người điều trị.

Về mặt pháp lý, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS - Chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho rằng: “Nên xem xét cho phép người nghiện không có nơi cư trú ổn định được đăng ký điều trị Methadone bằng chứng minh thư nhân dân. Đối với người đang điều trị nghiện Methadone ở cộng đồng bị đưa vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại tạm giam, trại giam thì được cơ sở đang điều trị gửi phiếu chuyển gửi đến người phụ trách y tế của cơ sở đó. Đề nghị Nhà nước xem xét để có thể đưa việc điều trị Methadone vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Top