Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

12/12/2019 08:42

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án.

Tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp

Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Nghị quyết nêu rõ: Trong những năm qua, Chính phủ, Viện KSND tối cao và TAND tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế: việc chấp hành pháp luật trong khởi tố, điều tra tội phạm có trường hợp chưa nghiêm. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tỷ lệ thi hành án dân sự về tiền còn thấp so với số việc có điều kiện thi hành; một số sai phạm trong thi hành án dân sự chậm được khắc phục. Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp, kéo dài qua nhiều năm, nhất là trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân...

Nghị quyết cũng đã đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”. Tăng cường quản lý chất phóng xạ, hóa chất độc hại, chất cháy, chất nổ; có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt an ninh nguồn nước..., nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Tiếp tục giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; giảm mạnh các vụ cháy nổ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ động đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vi phạm an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và đưa vào khai thác kể từ năm 2021.

Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%. 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật; điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố.

Các cơ quan cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước...

Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện KSND, TAND và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp đồng bộ, bảo đảm thi hành nghiêm Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14; củng cố Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm thi hành án đối với pháp nhân thương mại và thi hành các hình phạt khác; chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực; đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật đồng thời xử lý trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính...

Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Theo Nghị quyết số 96/2019/QH14, Viện KSND tối cao chỉ đạo các Viện kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các Viện kiểm sát ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính; bảo đảm các kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án phải có căn cứ và đúng pháp luật. Tỷ lệ các kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận đạt trên 70%; tỷ lệ các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đạt trên 75%; tỷ lệ các kiến nghị được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt trên 80%.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, các đơn yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm...

TAND tối cao cần có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án. Giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án...

TAND tối cao cần bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm, có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu về tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nâng tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật; bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định đối với người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án đạt tỷ lệ 100%...

TAND tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện KSND tối cao, Bộ Công an tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, giải quyết các loại vụ án, phát triển án lệ và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử, Đề án Tòa án điện tử từ năm 2020.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án cần kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất.

Các cơ quan cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, các đơn vị nghiên cứu xây dựng cơ chế phân bổ biên chế cho các cơ quan tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, thanh tra viên, kiểm toán viên; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh người có hành vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Chính phủ cần có lộ trình, kế hoạch bố trí kinh phí để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án. Tập trung triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, thông suốt trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ công tác điều tra theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự...

Top