Nâng cao năng lực điều trị rối loạn sử dụng chất ở Việt Nam

23/07/2020 14:51

Theo TS Kevin Mulvey, đại diện Cục Quản lý dịch vụ nghiện chất và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ, Việt Nam đã nêu trong chính sách rằng nghiện ma túy là một căn bệnh và người sử dụng ma túy nên được coi là bệnh nhân. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các quy trình can thiệp rối loạn sử dụng chất dựa trên bằng chứng và phù hợp với bối cảnh văn hóa của đất nước...

 Hội thảo “Nâng cao năng lực điều trị rối loạn sử dụng chất ở Việt Nam: Tương lai bền vững của mạng lưới V-HATTCs”. Ảnh: HG

Sáng 23/7, Mạng lưới Trung tâm Chuyển giao công nghệ Điều trị nghiện chất và HIV tại Việt Nam (V-HATTCs) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực điều trị rối loạn sử dụng chất ở Việt Nam: Tương lai bền vững của mạng lưới V-HATTCs”.

Hội thảo nhằm tổng kết những đóng góp của mạng lưới V-HATTCs trong điều trị rối loạn sử dụng chất và phòng, chống HIV tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020, những đóng góp của Cục Quản lý Dịch vụ nghiện chất và sức khoẻ tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA) trong giai đoạn 2005-2020 và thảo luận kế hoạch duy trì và phát triển bền vững mạng lưới V-HATTCs trong tương lai.

Mạng lưới Trung tâm Chuyển giao công nghệ Điều trị nghiện chất và HIV tại Việt Nam (V-HATTCs) đặt tại 3 trường đại học (Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Lao động – Xã hội) với sự tài trợ của Chương trình Cứu trợ khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thông qua Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (Substance Abuse and Mental Health Services Administration- SAMHSA).

Nhiều kết quả đạt được

GS.TS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, mạng lưới Trung tâm Chuyển giao công nghệ Điều trị nghiện chất và HIV có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu nhằm phát hiện các phương thức điều trị các chất gây nghiện. Trung tâm cũng hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để triển khai các khóa tập huấn “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” cho những cán bộ y tế làm trong lĩnh vực nghiện chất. Ngoài ra trung tâm còn cử các cán bộ đi hỗ trợ thực hành cho những cơ sở điều trị nghiện chất tại các tỉnh thành.

Các hoạt động với sự kết hợp chuyên môn của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp mở rộng và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những hoạt động về điều trị nghiện chất và cũng như những nghiên cứu mới về nghiện chất; góp phần nâng cao năng lực cho các các bộ trong lĩnh vực điều trị nghiện chất, kết nối giữa các cơ sở đào tạo. Đây được xem như là một nỗ lực góp phần nhằm giảm bớt nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng, giảm tệ nạn xã hội, cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần cho những bệnh nhân nghiện, hướng tới một cộng đồng và xã hội tốt đẹp hơn.

TS. Kevin Mulvey, SAMHSA khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh về sự hợp tác toàn diện giữa các cơ quan, tổ chức, các nhà lãnh đạo, trọng tâm là mạng lưới Trung tâm Chuyển giao công nghệ Điều trị nghiện chất và HIV là minh chứng cho mối quan hệ đó.

Theo TS. Kevin Mulvey, với sự tham gia của SAMHSA, các kết quả trực tiếp và gián tiếp nhìn thấy được, đó là Việt Nam đã nêu trong chính sách rằng nghiện ma túy là một căn bệnh và người sử dụng ma túy nên được coi là bệnh nhân. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các quy trình can thiệp rối loạn sử dụng chất dựa trên bằng chứng và phù hợp với bối cảnh văn hóa của đất nước.

Từ năm 2010, Việt Nam đã thiếp lập dịch vụ điều trị hỗ trợ bằng thuốc cho bệnh nhân rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 51.675 bệnh nhân đang được điều trị ở 63/63 tỉnh thành. Từ năm 2015, thiết lập dịch vụ điều trị hỗ trợ bằng thuốc cho bệnh nhân rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphin với 525 bệnh nhân đang được điều trị tại 6/63 tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện 105 khóa đào tạo và chương trình giảng dạy, từ điều trị hỗ trợ bằng thuốc, đến tư vấn, quản lý trường hợp, hỗ trợ xã hội bao gồm các nhóm hỗ trợ dựa trên đức tin và các nhóm hỗ trợ phục hồi.

Đặc biệt, việc thành lập một mạng lưới Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất (ATTC) tại Việt Nam với nhiều liên kết với mạng lưới ATTC tại Hoa Kỳ gồm 39 trung tâm dự phòng rối loạn sử dụng chất, điều trị rối loạn sử dụng chất và dự phòng, điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. 48 mối hợp tác giữa ATTC với các đối tác đa phương, các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ, Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và các trường đại học. Nhân rộng kinh nghiệm của ATTC Việt Nam với việc thành lập ATTC ở 3 khu vực khác: Đông Nam Á, Nam Phi và Ukraine, các quốc gia Cộng hòa ở Trung Á.

 TS. Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (VPCP), Ủy viên Thư ký UBQG phòng chống HIV⁄AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: HG

Cơ hội phát triển bền vững

Nhìn lại chặng đường điều trị rối loạn sử dụng chất tại Việt Nam giai đoạn 2005-2020, TS.Victor Capoccia, chuyên gia độc lập đã đưa ra những bước tiếp theo để phát triển việc điều trị như: Duy trì chương trình điều trị hỗ trợ bằng thuốc và các dịch vụ hỗ trợ; tận dụng sức mạnh của văn hóa gia đình đặc trưng và những mối đoàn kết cộng đồng vững mạnh tại Việt Nam; phát triển lực lượng nghiên cứu, thực hành, quản lý và chính sách về rối loạn sử dụng chất trong nước; thí điểm tòa án ma túy và các dịch vụ chuyển đổi; tiến hành phân tích nhu cầu các dịch vụ dành cho phụ nữ...

Tại Hội thảo, chia sẻ về một số cơ hội phát triển bền vững việc điều trị rối loạn sử dụng chất ở Việt Nam, bà Charlotte Sisson, cán bộ cấp cao Chương trình giảm cầu ma túy, Cục Phòng chống ma túy quốc tế và thi hành luật pháp, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu lên các chương trình giảm cầu ma túy; hỗ trợ thí điểm mô hình Tòa án ma túy; hỗ trợ cho Hệ thống các Trung tâm chuyển giao công nghệ quốc tế.

Đại diện phòng khám Methadone và đại diện Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hải Phòng cũng chia sẻ một số hoạt động điều trị phục hồi trên địa bàn thành phố Hải Phòng có sự hỗ trợ của SAMHSA, các hoạt động phối hợp của phòng khám Methadone với VHATTC…Các đại biểu cũng thảo luận về kế hoạch cho sự phát triển bền vững của Mạng lưới V-HATTCs và những nỗ lực trong việc chăm sóc và điều trị rối loạn sử dụng chất.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (VPCP), Ủy viên Thư ký UBQG phòng chống HIV⁄AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm nhấn mạnh, nghiện ma túy là một vấn đề xã hội mà nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt. Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực nhằm giải quyết và can thiệp giảm hại từ nghiện ma túy như: Đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều mô hình, hình thức và phương pháp cai nghiện ma túy. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

“Chúng ta có mặt tại Hội trường này và tại các điểm cầu khác để dự Hội thảo ngày hôm nay trong bối cảnh Việt Nam đang cùng các nước tích cực phòng chống dịch Covid-19. Với việc phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19 để phòng chống ma túy, HIV/AIDS, Hội thảo có một ý nghĩa lớn”, ông Đoàn Hữu Bẩy nói.

Đồng thời đánh giá các ý kiến nêu lên tại Hội thảo đã khái quát tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tổng quan công tác điều trị nghiện ma túy và đổi mới công tác cai nghiện trong những năm qua. Chủ đề của Hội thảo có sự bao trùm và phát triển về nội hàm khoa học và thực tiễn (từ điều trị nghiện chất đến điều trị rối loạn sử dụng). Điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam và quốc tế.

Ông Đoàn Hữu Bẩy cũng cho biết, vừa qua, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Tòa án nhân dân tối cao và đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giai đoạn 2020-2025. Trong giai đoạn 2020-2025, hai bên thống nhất phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; xây dựng và triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án, hướng tới mô hình “Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy”, nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan về tư pháp, hành pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tuân thủ điều trị và cai nghiện hiệu quả.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy, HIV tại Việt Nam, trong đó có 3 dự án Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Đoàn Hữu Bẩy cho rằng các ý kiến tại Hội thảo đã nêu lên nhiều vấn đề mới, góp phần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật.

Năm 2020 cũng đánh dấu 20 năm thành lập UBQG phòng chống HIV⁄AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, nhân dịp này, ông Đoàn Hữu Bẩy cảm ơn các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác này.

Top