Nâng cao chất lượng công tác quản lý cai nghiện ma túy

06/07/2015 15:28

Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đồng thời, nâng tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị trong các Trung tâm đang được thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện công tác quản lý cai nghiện.

                           Học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I

Tính đến cuối tháng 2/2015, toàn thành phố có 15.601 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 1.565 người so với cùng kỳ năm 2014, song số đối tượng tại cộng đồng lại tăng lên 349 người. Trên địa bàn thành phố hiện có 10 Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội và quản lý sai cai nghiện ma túy với tổng diện tích 147 ha. Trong đó, 7 Trung tâm có nhiệm vụ quản lý cai nghiện (bao gồm cả cai nghiện bắt buộc, tự nguyện và cai nghiện tại cộng đồng) và 2 Trung tâm quản lý sau cai (cai nghiện tự nguyện và thực hiện nhiệm vụ quản lý sau cai)… Công suất thiết kế 11.150 chỗ cai nghiện và quản lý sau cai, khả năng tiếp nhận hiện tại là 7.600 người. Cụ thể, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 8.842 người; 20 người nghiện ma túy là những đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Tính đến tháng 5/2015, các Trung tâm đang quản lý, chữa trị, cai nghiện cho 4.997 người...
 
Để đổi mới, nâng cao chất lượng cai nghiện, đảm bảo các quy định về chế độ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dạy nghề và sinh hoạt văn hóa, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu giảm khả năng tiếp nhận học viên của các Trung tâm từ 10.050 người xuống còn 7.600 người để tuân thủ đúng quy định về diện tích nằm 2,5m2/học viên. Cân đối học viên cai nghiện và quản lý sau cai tại các Trung tâm và có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận phù hợp với số lượng học viên thực tế. Đồng thời, chỉ đạo các Trung tâm tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục; tăng cường công tác chống trốn, chống đánh nhau, chống thẩm lậu, chống tiêu cực trong quản lý học viên, tạo môi trường thân thiện để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện…
 
Đặc biệt, Đề án "Thí điểm chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số V Hà Nội thành cơ sở điều trị tự nguyện" có nhiều ưu điểm như: Người nghiện ma túy tham gia Đề án được Ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí với những người cai nghiện bắt buộc, trong khi người cai nghiện tự nguyện không phải ghi lý lịch tư pháp. Đề án được đánh giá là đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của gia đình học viên và cũng được cộng đồng ủng hộ. Công tác điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đang hoạt động ổn định. Hiện, Trung tâm đang duy trì điều trị cho 42 người theo đúng quy trình… Với sự tích cực vận động của các ban, ngành, đoàn thể địa phương số người cai nghiện tự nguyện theo Đề án thí điểm đã đạt và vượt chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
 
Ngoài những kết quả trên, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện sau cai vẫn còn nhiều tồn tại. Việc đưa người đi cai nghiện gặp khó khăn do các đối tượng người nghiện rất phức tạp cả về nhân thân lẫn tình trạng sức khỏe. Công tác cai nghiện ma túy tuy đã được xã hội hóa nhưng hiệu quả còn hạn chế. Số người nghiện được cai nghiện tập trung tăng song tỷ lệ tái nghiện sau khi về cộng đồng cũng có chiều hướng tăng. Trong khi đó, công tác quản lý sau cai chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo kịp thời. Kinh phí hỗ trợ tạo việc làm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số Câu lạc bộ B93 hoạt động kém hiệu quả, quản lý lỏng lẻo, nội dung sinh hoạt nghèo nàn do đó ít hội viên tham gia...
 
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để khắc phục những tồn tại trên cần có sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về người nghiện ma túy. Bởi, nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, người nghiện phải điều trị thường xuyên và sống chung với phác đồ điều trị. Đồng thời, giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các Trung tâm thay bằng điều trị tự nguyện và cai nghiện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị nghiện các thuốc dạng thuốc phiện bằng Methadone, kết hợp các hỗ trợ khác như: tâm lý, tư vấn cho chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp tại cộng đồng. Hơn nữa, cần giảm kỳ thị với người sử dụng ma túy, khuyến khích mô hình cai nghiện mở tại cộng đồng, các tổ chức đầu tư cơ sở cai nghiện tư nhân. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chuyên về cai nghiện ma túy. Thay đổi cách thức hoạt động để nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý tại các Trung tâm để cán bộ hiểu và thân thiện với người nghiện, tạo điều kiện cho họ tiếp cận được các dịch vụ xã hội tốt…

Top