Kịp thời việc giải quyết các vụ án ma túy lớn, phức tạp

01/06/2020 09:54

Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao chú trọng nắm bắt các thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin, truyền thông để chỉ đạo kịp thời việc giải quyết các vụ án ma túy lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều bị can tham gia, bị can là người có quốc tịch nước ngoài...

Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có công văn yêu cầu Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020.

Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, Viện kiểm sát các cấp chủ động tham gia phối hợp với các đơn vị chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy khi tổ chức tiến hành mở đợt cao điểm tấn công, điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn mình quản lý; lưu ý các địa phương có điểm “nóng” về ma túy, địa phương nằm trên tuyến biên giới giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc, các đường tiểu ngạch, sân bay và cảng biển.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm về ma túy; kiểm sát chặt chẽ việc thu thập các tài liệu, chứng cứ được sử dụng làm căn cứ để xem xét việc phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng do Cơ quan điều tra đề nghị; phối hợp với các ngành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về ma túy; thống nhất xác định án điểm về ma túy, kịp thời đưa vụ án ra xét xử.

Thông qua các phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung xét hỏi, tranh tụng, luận tội, chú ý khái quát tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa phương, đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, nguyên nhân và hậu quả của hành vi phạm tội, các tác động, ảnh hưởng của ma túy đối với bản thân người phạm tội và với cộng đồng, đề xuất mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thực hiện, qua đó nâng cao ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử các vụ án về ma túy, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, hạn chế và vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước nói chung để kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức rút kinh nghiệm, sửa chữa và khắc phục kịp thời, từ đó đưa ra các biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm về ma túy.

Các đơn vị tự tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hữu quan để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tác hại của tệ nạn ma túy; các kiến thức phòng, chống ma túy; hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán ma túy đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, nhất là việc sử dụng trái phép các loại chất ma túy tổng hợp, chất hướng thần đang có xu hướng lan rộng, phổ biến trong giới trẻ như: Methamphetamine,MDMA, Ketamine, XLR-11.

Hình thức các buổi thông tin, tuyên truyền nên tổ chức đa dạng, sáng tạo, sinh động thu hút nhiều người tham gia, nghiên cứu lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, báo cáo chuyên đề,… nhấn mạnh các khẩu hiệu truyền đi thông điệp: Ma túy đá, phá cuộc đời; Tương lai và ma túy không cùng tồn tại; Đừng để lãng phí tuổi xuân; Sống tuổi trẻ, nghĩ tương lai, nói không với ma túy; Tuổi trẻ chung tay vì cộng đồng không ma túy; Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà – Hãy tránh xa ma túy. Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ là hạt nhân trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị sự nghiệp trong Ngành quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuyệt đối không tham gia vào việc chứa chấp, sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất và các hành vi khác có liên quan đến ma túy; đồng thời có trách nhiệm với việc quản lý, giáo dục con, cháu và những người thân trong gia đình, bạn bè tránh xa hiểm họa khôn lường của ma túy.

Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Trang tin điện tử của Ngành cần tăng tần suất thông tin, lượng bài viết, bài nghiên cứu, trao đổi; đồng thời xây dựng và truyền tải thông điệp về công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống ma túy; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ. Có nhiều bài viết, tác phẩmphản ánh về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Giải quyết, khắc phục vướng mắc phát sinh

Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao chú trọng nắm bắt các thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin, truyền thông để chỉ đạo kịp thời việc giải quyết các vụ án ma túy lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều bị can tham gia, bị can là người có quốc tịch nước ngoài do Viện kiểm sát cấp dưới thụ lý giải quyết, bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Kịp thời kiểm tra, hướng dẫn địa phương giải quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tội phạm về ma túy.

Công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại cải tạo: Tăng cường hoạt động kiểm sát định kỳ hoặc đột xuất để nắm tình hình, phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng hoặc mua bán trái phép chất ma túy trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại cải tạo, chủ động ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị để xử lý.

Phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để tham gia kiểm sát đầy đủ các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, kiên quyết không chấp nhận trường hợp không đảm bảo về thủ tục pháp lý. Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, ban hành kiến nghị đối với các cơ quan chức năng khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Top