Khoảng 3 triệu bệnh nhân lao chưa được điều trị

18/10/2019 18:03

Ngày 17/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo cho thấy số lượng bệnh nhân lao được điều trị trên toàn thế giới lên tới 7 triệu người trong năm 2018, mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3 triệu bệnh nhân chưa được điều trị đầy đủ do thiếu kinh phí và hạn chế tiếp cận y tế.

Theo báo cáo của WHO, nhờ tiến bộ trong phát hiện, chẩn đoán bệnh lao, số bệnh nhân được điều trị năm 2018 đã tăng thêm 600.000 người so với 6,4 triệu người trong năm trước. Bên cạnh đó, số ca tử vong do bệnh lao năm ngoái cũng giảm xuống 1,5 triệu, từ mức 1,6 triệu người trong năm trước đó. Kết quả này góp phần giúp thế giới đạt được dấu mốc quan trọng trong mục tiêu xóa sổ bệnh lao của Liên Hợp Quốc.

Năm 2014, Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) nhất trí thông qua Chiến lược xóa sổ bệnh lao của WHO, nỗ lực đến năm 2030 sẽ giảm được 90% số ca tử vong, 80% số ca mắc bệnh lao so với năm 2015. Một mục tiêu cụ thể hơn nữa là đến năm 2020 giảm 35% ca tử vong và 20% so với năm 2015.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, để hoàn thành mục tiêu của Liên Hợp Quốc về xóa sổ bệnh lao vào năm 2030, thế giới phải đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong bối cảnh 3 triệu bệnh nhân lao vẫn chưa được chăm sóc phù hợp do thiếu hụt quỹ nghiêm trọng và không được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Trong đó, đại diện WHO nhấn mạnh, phải tăng cường hệ thống y tế, đơn giản hóa tiếp cận dịch vụ cho bệnh nhân lao, đầu tư phát triển y tế cơ sở và bảo đảm bao phủ chăm sóc y tế toàn dân (UHC).

Tháng 9 vừa qua, lãnh đạo các nước tham dự Khóa họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí một tuyên bố chính thức về UHC, nhưng nguồn quỹ đầu tư để chống bệnh lao vẫn luôn thiếu hụt và mức thiếu hụt đã lên tới 3,3 tỷ USD trong năm 2019. Nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực có nhu cầu tài chính cấp bách nhất, với mức thiếu hụt hằng năm vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Trong đó, những danh mục cần được đầu tư bổ sung phải kể đến như nghiên cứu một loại vaccine mới hoặc một liệu pháp phòng ngừa hiệu quả; công nghệ xét nghiệm nhanh; các loại thuốc an toàn, đơn giản và ngắn ngày hơn cho bệnh nhân lao.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ chương trình Chống lao Quốc gia, khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100.000 dân và điều trị thành công cho hơn 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được.

Chương trình chống lao quốc gia thời gian qua vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được Chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

Top