Khắc phục những vướng mắc trong quy định về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

14/07/2021 10:36

Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn áp dụng các Nghị định thời gian qua.

 Các cơ sở cai nghiện ma túy tại TPHCM vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm công tác cai nghiện. Ảnh: Hoàng Giang

Theo Bộ LĐTB&XH, hiện nay có 9 Nghị định quy định về 4 lĩnh vực cơ bản là: cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng (cả bắt buộc và tự nguyện); cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; quản lý sau cai nghiện ma túy.

Các Nghị định đã góp phần quan trọng trong công tác tổ chức, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, đã góp phần giảm tốc độ gia tăng người nghiện mới, giúp người được cai nghiện phục hồi sức khỏe, nhận thức và hành vi, nâng cao kỹ năng nghề, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Các Nghị định tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, ra quyết định và phân công trách nhiệm trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực tiễn tại địa phương.

Tuy nhiên, qua hơn 12 năm triển khai (kể từ khi Luật Phòng, chống ma túy được sửa đổi năm 2008) và gần 8 năm triển khai (kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 có hiệu lực), bên cạnh những kết quả đạt được, các Nghị định cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn triển khai.

Ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, theo đó có nhiều điểm mới được quy định trong Luật Phòng chống ma túy và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về quy trình cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự của cơ sở cai nghiện ma túy công lập; điều kiện và thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú và hướng dẫn việc thành lập, giải thể và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy (Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 40, Điều 47 của Luật PCMT).

Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, theo đó, hệ thống các quy định về áp dụng biện pháp đưa vào cở cai nghiện ma túy bắt buộc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Điều 4, Điều 110, Điều 131 của Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Ngày 18/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 720/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11, trong đó giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gộp với Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - được phân công theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Nội dung Dự thảo Nghị định gồm, 10 chương và 90 điều, tập trung vào các nội dung: Quy định chung; quy trình cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục thành lập, giải thể của cơ sở cai nghiện  ma túy; đăng ký, tiếp nhận cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy; lập hồ sơ và thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách của nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; trách nhiệm thực hiện; điều khoản thi hành.

Top