Kéo người nghiện về với cuộc sống bình thường

17/10/2014 09:05

(Chinhphu.vn) - Kiểm tra công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm của TP. Hà Nội, sáng 16/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu Thành phố tích cực triển khai mô hình trung tâm cai nghiện bắt buộc kết hợp tự nguyện…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải tạo được việc làm cho người nghiện sau cai thì mới giảm tỷ lệ tái nghiện bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại điểm điều trị thay thế chất gây nghiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm; Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội số 5; tìm hiểu công tác nghiên cứu, điều trị người nghiện ma túy tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia. Đồng thời, ghi nhận những góp ý, phản ánh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm điều trị Methadone nói riêng, cải tiến các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai nói chung.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP. Hà Nội, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 16.023 người, phát hiện mới 229 người nghiện (giảm 50% so với cùng kỳ).

Trong đó, trên 5.300 người đang cai nghiện bắt buộc, tự nguyện và thuộc diện quản lý sau cai tại các trung tâm 06; gần 1.200 người thực hiện quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú; 1.659 người được điều trị thay thế bằng Methadone tại 6 điểm.

Các thành viên Ban chỉ đạo Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề nghị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng bộ các giải pháp, mở thêm nhiều loại hình điều trị thay thế theo hướng xã hội hóa nhằm tăng số lượng các đối tượng nghiện ma túy được điều trị.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trước thực tế tỷ lệ tái nghiện sau cai rất cao, cần phải thay đổi phương thức hoạt động, mô hình của các trung tâm cai nghiện hiện nay. Trong đó cần tính đến việc đưa Methadone vào sử dụng tại các trung tâm 06 để sau khi học viên trở về cộng đồng tiếp tục được hỗ trợ điều trị tại địa phương nhằm giảm bền vững tỷ lệ tái nghiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình điều trị thay thế cho người nghiện bằng Methadone.

“Hiện cả nước có 122 điểm điều trị bằng Methadone cho khoảng 21.000 người trong khi Hà Nội mới chỉ có 6 điểm điều trị cho 1.700 người, dù năm 2014 Thành phố được giao chỉ tiêu điều trị cho 2.300 người. Còn năm 2015 là 8.500 người”, Thứ trưởng Long cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, điều trị bằng Methadone có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức cai nghiện khác. Điển hình là trong hơn 1.700 người dùng Methadone, tỷ lệ sử dụng lại Heroin chỉ còn dưới 1%.

Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu điều trị cho 8.500 người nghiện bằng Methadone trong năm 2015, Hà Nội dự kiến sẽ mở thêm 24 điểm điều trị mới, cùng với 3 điểm điều trị ở các cơ sở y tế tuyến Trung ương; chuyển một phần các trung tâm 06 thành cơ sở điều trị tự nguyện…

Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ thực tế của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần nhân rộng các mô hình cai nghiện đã chứng minh được hiệu quả để người sau cai hòa nhập tốt với cộng đồng, có việc làm ổn định, giảm tỷ lệ nghiện, tái nghiện bền vững…

Với những kết quả khả quan trong điều trị người nghiện bằng Methadone, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xem xét các quy định liên quan để áp dụng biện pháp này vào các trung tâm cai nghiện; đảm bảo các điểm điều trị Methadone không chỉ “hoạt động hết buổi sáng” trước khi tính đến việc mở các điểm mới; huy động lực lượng bác sỹ ngành sức khỏe tâm thần để tư vấn sức khỏe tâm thần và các chất gây nghiện tại điểm điều trị.

“Chúng ta làm đúng luật trên tinh thần kéo người nghiện ma túy trở lại với cộng đồng, có cuộc sống bình thường bởi trong số những người nghiện ma túy, không phải tất cả đều không còn cách sửa chữa nhất là những người tự nguyện, có quyết tâm dứt bỏ ma túy.

TP. Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa các mô hình cai nghiện ma túy kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc, không cầu toàn, vừa làm vừa xử lý phát sinh”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế làm việc trực tiếp với TP. Hà Nội để tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy như: Hướng dẫn quy trình đưa người nghiện vào và ra khỏi danh sách quản lý; triệu chứng người sử dụng ma túy tổng hợp; lựa chọn mô hình quản lý sau cai nghiện hiệu quả…

Bên cạnh đó, hoạt động phòng chống, cai nghiện ma túy cần được giám sát, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở cơ sở để người dân, xã hội thấy được tác hại, mối nguy hiểm của ma túy, trên cơ sở đó tích cực hơn nữa trong công tác phòng ngừa.

Top