Hơn 500 hộ, người nhiễm HIV, sau cai nghiện, bán dâm hoàn lương được vay vốn

24/02/2021 15:43

Từ khi thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương đến ngày 30/11/2020, đã có 555 cá nhân, hộ gia đình vay vốn, với tổng kinh phí là 14,313 tỷ đồng.

 Ảnh minh họa

Năm 2020, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014. Đồng thời ban hành Công văn, văn bản đôn đốc, hướng dẫn cụ thể 15 tỉnh, thành phố thực hiện Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg.

Tính đến ngày 30/11/2020, đã thực hiện giải ngân cho 51 cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố vay vốn với tổng số tiền là 1,42 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg đến ngày 30/11/2020, đã cho 555 cá nhân, hộ gia đình vay vốn, với tổng kinh phí là 14,313 tỷ đồng. Đã thu hồi vốn 11,293 tỷ đồng, xóa nợ 100 triệu đồng. Tổng dư nợ là 2,91 tỷ đồng, trong đó, 2,548 tỷ đồng nợ trong hạn, 70 triệu đồng nợ quá hạn và 293 triệu đồng nợ khoanh.

Tuy nhiên việc thực hiện chính sách tín dụng cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Số người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng số người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg vẫn chưa nhiều.

Ban chỉ đạo cấp xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ trưởng tổ dân phố, thôn, bản, trưởng khu vực (ấp), tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên trong quá trình xác nhận, bình xét cho đối tượng vay, ít nhiều vẫn e ngại; cá biệt có nơi chưa hướng dẫn cụ thể cho người vay xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để được vay vốn theo quy định.

Việc tạm dừng cho vay trong thời gian đánh giá, báo cáo trình xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người vay và các cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất, kinh doanh đều bị đình trệ nên số lượng người thuộc đối tượng được cho vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg làm hồ sơ không nhiều.

Theo Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên đó là do vẫn tồn tại sự kỳ thị của cộng đồng và một bộ phận không nhỏ các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Năng lực và trình độ của các đối tượng vay vốn còn hạn chế nên chưa đưa ra được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quy định người sau cai nghiện ma túy chỉ được vay qua hộ gia đình nhưng gia đình không đồng ý làm hồ sơ vay; một số muốn vay nhưng vì gia đình đã được vay theo chương trình khác nên không được giải quyết cho vay theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Bản thân các đối tượng cũng như gia đình họ còn nhiều mặc cảm, tự ti, không tự công khai tình trạng của bản thân để đề xuất vay vốn theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện việc cho vay vốn và thu hồi vốn từ năm 2016 đến hết năm 2020 tại các địa phương. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng vay vốn.

Top