Học nghề để tránh tái nghiện

09/10/2019 09:25

Tính đến giữa tháng 9/2019, thành phố Đà Nẵng đang quản lý 647 người sau cai tại cộng đồng, trong số này có 385 người có việc làm ổn định. Đây là kết quả của chủ trương đào tạo nghề cho những người trong quá trình cai nghiện, cũng như sau cai trở về địa phương...; qua đó, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện.

Học viên ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang học nghề làm giày, dép

Đúng hẹn, tôi đến tiệm sửa xe H. trên đường Ông Ích Khiêm để trò chuyện với anh L.T là một người sau cai trở về địa phương nay đã có việc làm ổn định. “Nghĩ về những ngày nghiện ngập mà tôi vẫn thường giật mình và tự hỏi, sao trước đây mình lại dại dột như thế. Nhưng mà cũng may, khi bị bắt và đưa vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng cai nghiện, tôi học được nghề sửa chữa xe máy. Sau 6 tháng, hoàn thành chương trình và cũng là lúc tôi được trở về địa phương vì cai nghiện tốt... Tôi đi xe ôm, làm phụ hồ nhưng rồi thu nhập không bao nhiêu, nên quyết định hành nghề sửa xe đã học. Nhờ trời, tiệm của tôi mở được gần 2 năm, khách ngày càng đông, thu nhập ổn định”.

Còn anh L.V.B. (quận Liên Chiểu), người sau cai tốt nghiệp khóa học sơ cấp đông y đầu tiên của Cơ sở xã hội Bầu Bàng do các bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố giảng dạy tỏ ra khá rụt rè khi nói về việc được làm “thầy thuốc” của mình: “Ca đầu tiên tôi làm là bấm huyệt sơ cứu kịp thời cho một ông già bán vé số ở gần chợ Hòa Khánh bị xỉu do huyết áp tăng cao. Sau lần đó tôi về bàn với vợ và quyết định hành nghề thầy thuốc chữa bệnh”. Đến nay, L.V.B. vẫn chưa thể mở cơ sở tại nhà, nhưng việc nhận châm cứu, bấm huyệt tại nhà cũng đã giúp anh có thu nhập tương đối. Anh B. tâm sự: “Tôi vừa được các cán bộ UBND phường Hòa Minh hướng dẫn vay vốn để mở cơ sở chữa bệnh đông y. Mọi việc mới bắt đầu, nhưng tôi tin nếu mình nỗ lực hết sức, mọi thứ sẽ tốt đẹp”.

Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho học viên trong quá trình cai nghiện và những người sau cai, thời gian qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã có rất nhiều nỗ lực với mục tiêu tất cả học viên khi hoàn thành chương trình cai nghiện có nghề để ổn định cuộc sống. Theo ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, để đạt mục tiêu này, thời gian qua, cơ sở kết nối với những trung tâm đào tạo, trường dạy nghề có uy tín để bảo đảm cho học viên sau tốt nghiệp đáp ứng được công việc. Đặc biệt, thời gian gần đây, cơ sở đã kết nối với một số doanh nghiệp tổ chức những ngày hội tư vấn tuyển dụng lao động cho học viên, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ để sau khi hoàn thành cai nghiện, học viên sẽ tìm việc ngay, tránh tình trạng thời gian “trống” dễ bị kẻ xấu lôi kéo.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Hợp tác xã Ô tô Liên Chiểu, đơn vị vừa tham gia buổi tư vấn tuyển dụng lao động ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết, đơn vị sẵn sàng tiếp nhận học viên sau cai đến làm việc tại hợp tác xã. Theo ông Minh, việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho người sau cai có việc làm không đơn giản là tạo thêm việc làm cho xã hội mà còn góp phần ngăn chặn người sau cai quay lại con đường nghiện ngập.

Có thể thấy, việc đào tạo nghề và giúp người sau cai có được việc làm ổn định chính là “vũ khí” quan trọng trong công tác phòng chống ma túy nói chung cũng như phòng ngừa người sau cai tái nghiện. Chính vì vậy, 2 năm qua, UBND thành phố có quyết định nâng mức hỗ trợ cho người sau 5 năm không tái nghiện từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/người. Đây cũng là động lực để họ quyết tâm “nói không” với ma túy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số người sau cai gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn tâm lý ngại tiếp nhận người sau cai cũng là một rào cản khá phổ biến. Thời gian đến, nếu các cấp chính quyền tháo gỡ được điểm nghẽn trên, giúp người sau cai có việc làm ổn định, câu chuyện đường về của họ vì thế, có lẽ sẽ tươi sáng hơn...

Top