Hỗ trợ phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

27/02/2020 14:00

482.840 USD là số tiền tổ chức World Vision Japan (Nhật Bản) viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, để thực hiện dự án “Hỗ trợ phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Điện Biên”.

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh internet

Đây là dự án nhận được viện trợ trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại liên kết NGO (tổ chức phi chính phủ) của Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm tài khóa 2019.

Dự án sẽ triển khai tại 2 huyện là Mường Chà và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên - một tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc và tiếp giáp với Lào ở phía tây. Đây là 2 huyện có tỉ lệ người nghèo đặc biệt cao trong tỉnh Điện Biên, gồm chủ yếu là người dân tộc thiểu số như người Mông (Mường Chà) và người Thái (Tuần Giáo).

Dự án kỳ vọng xây dựng được khung hỗ trợ nhằm phòng chống nạn buôn người và bạo lực ở khu vực dự án cũng như hỗ trợ phụ nữ và các bé gái có kiến thức để tự nhận thức và bảo vệ bản thân trước bạo lực, nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, dự án còn bố trí các lớp học kỹ năng để nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Cụ thể, dự án sẽ triển khai xây mới và tu sửa “Trung tâm cộng đồng”, nơi phụ nữ tập trung, chia sẻ thông tin; tiếp đó là mở lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em trước bạo lực và nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em; mở lớp tập huấn kỹ năng sống cho các bé gái; mở lớp tập huấn kỹ năng cơ bản để nâng cao thu nhập cho phụ nữ như chăn nuôi gia súc, trồng rau…

Bên cạnh đó, dự án sẽ tuyên truyền phòng chống nạn buôn bán người trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; đồng thời, tăng cường cơ chế phòng chống nạn buôn bán người, phòng chống bạo lực ở phụ nữ và trẻ em,   

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021.

 Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp…

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi…

Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Mông, trong đó độ tuổi từ 16-23), giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới; hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe doạ nạn nhân, sau đó, bán họ ra nước ngoài.

Top