Hỗ trợ người cai nghiện ma tuý, người bán dâm, nạn nhân bị buôn bán

22/05/2017 14:50

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ kinh phí thực hiện Chương trình gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Theo đó, đối với ngân sách Trung ương, sẽ bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình; bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình.

Ngân sách địa phương sẽ bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định tại Quyết định số 565/QĐ-TTg; chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả các Dự án và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 565/QĐ-TTg...

Dự thảo cũng đề xuất về nội dung và mức chi hỗ trợ người cai nghiện ma tuý, người bán dâm và nạn nhân bị buôn bán.

Dự thảo Thông tư quy định mức chi thí điểm các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới; mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của từng vùng, miền sẽ căn cứ vào khung kỹ thuật của Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH (hoặc Sở Tài chính theo phân cấp của địa phương) tham mưu cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung và mức chi cụ thể của từng mô hình; tối đa 50 triệu đồng/mô hình/năm.

Theo đó, Dự thảo thông tư cũng quy định mức chi hỗ trợ xây dựng, vận hành các mô hình chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; cơ sở đa chức năng.

Trường hợp cơ sở cai nghiện bắt buộc chuyển đổi hoàn toàn sang tự nguyện: hỗ trợ trang thiết bị ban đầu cho cơ sở mức tối đa là 3.000 triệu đồng/cơ sở....

Chi hỗ trợ hoạt động phòng, chống mại dâm cũng được Dự thảo Thông tư quy định chi tiết. Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại Trung tâm công tác xã hội tối đa 350 triệu đồng/mô hình/năm để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cung cấp dịch vụ, hỗ trợ chi phí hoạt động của mô hình trong thời gian thí điểm.

Về mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới: tối đa 250 triệu đồng/mô hình/năm để hỗ trợ chi phí đi lại hàng tháng cho thành viên ban chủ nhiệm, tiếp cận viên; chi phí thuê địa điểm sinh hoạt định kỳ và các khoản chi cần thiết khác.

Đối với chi hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, chi xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập tại cộng đồng: tối đa 350 triệu đồng/cơ sở để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ, hỗ trợ chi phí hoạt động của mô hình trong thời gian thí điểm. Căn cứ khung kỹ thuật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (hoặc Sở Tài chính theo phân cấp của địa phương) tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung và mức chi của từng mô hình cụ thể.

Ngoài ra, Dự thảo thông tư cũng quy định nội dung và mức chi đặc thù đối với dự án phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế; dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Trước đó, ngày 25/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 565/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 (Chương trình). Theo Quyết định, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH là cơ quan quản lý Chương trình.

Chương trình gồm 4 dự án thành phần, cụ thể: Dự án 1: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế; Dự án 2: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em; Dự án 3: Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Dự án 4: Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.

Mục tiêu chung của Dự án 4 Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán là: Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, chuyển đổi nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, phục vụ công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy theo quan điểm Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

Dự án 4 thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên những địa bàn tập trung nhiều đối tượng, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Top