Hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng: Cơ hội hòa nhập cho người bệnh

14/10/2019 17:26

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 của Chính phủ, từ năm 2014, tỉnh Bắc Giang triển khai các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng (gọi tắt là điểm tư vấn, điều trị nghiện) tại 10 huyện, TP. Ngoài được tiếp cận các dịch vụ điều trị phù hợp, tại đây, người nghiện tham gia sinh hoạt nhóm, được tư vấn việc làm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Giảm tỷ lệ tái nghiện từ mô hình sinh hoạt nhóm

Bám sát các văn bản chỉ đạo triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2014, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 21/2/2014 về triển khai các nội dung của Đề án trên địa bàn tỉnh.

Ngoài tập trung cao cho công tác tuyên truyền, cấp phát tờ rơi truyền thông, tăng cường cơ sở vật chất cho Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, để hướng tới mục tiêu quản lý đối tượng tại gia đình, cộng đồng, ngành lao động xây dựng 10 điểm tư vấn, điều trị nghiện đặt tại trạm y tế phường Đa Mai (TP Bắc Giang) và các xã: Cao Thượng (Tân Yên); Đức Thắng (Hiệp Hòa); An Lập (Sơn Động); Nghĩa Phương (Lục Nam); Yên Mỹ (Lạng Giang); Hoàng Ninh (Việt Yên); thị trấn Neo (Yên Dũng); thị trấn Chũ (Lục Ngạn); thị trấn Bố Hạ (Yên Thế).

Theo kết quà rà soát, đánh giá của ngành lao động, trung bình hằng năm, có gần 80 % người nghiện ma túy được hỗ trợ tại các điểm đã cắt cơn thành công và giới thiệu đến các điểm uống Methadone.

Là điểm tư vấn, điều trị nghiện ra mắt sớm nhất (tháng 5/2015), Điểm xã Cao Thượng (Tân Yên) hiện được đánh giá duy trì hoạt động hiệu quả. Bên cạnh việc điều trị cắt cơn, tư vấn, áp dụng liệu pháp điều trị tâm lý, phòng tái nghiện, giới thiệu người nghiện đi uống Methadone… cho khoảng 100 lượt cá nhân/năm, điểm còn tổ chức hiệu quả hoạt động sinh hoạt nhóm.

Bà Dương Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cao Thượng, Phó điểm cho biết: Chúng tôi lựa chọn tên nhóm là “Tự lực” với mong muốn mỗi người nghiện đều quyết tâm, chiến thắng bản thân để cai nghiện thành công. Vào thứ 6 của 2 tuần xen kẽ trong tháng, 50 thành viên trong nhóm sẽ giao lưu thể thao, gặp gỡ, chia sẻ về tình trạng bệnh, những nỗi niềm trong cuộc sống...

Anh Ng.Đ.P, một người nghiện tham gia sinh hoạt nhóm “Tự lực” chia sẻ: “Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là cắt cơn, nhưng khi sinh hoạt tại gia đình, cơn thèm thuốc cũng có lúc khiến tôi muốn buông xuôi. Song được người thân động viên, các thành viên trong nhóm chia sẻ, nhất là sự tư vấn, nhắc nhở dùng Methadone đều đặn của các bác sĩ ở trạm y tế xã mà tôi có thêm quyết tâm không trở lại con đường cũ”. Được biết, mới đây, anh P được giới thiệu vào làm công nhân ở một doanh nghiệp trên địa bàn với mức thu nhập ổn định.

Hiện nay, mỗi điểm tư vấn, điều trị nghiện đều duy trì mô hình sinh hoạt nhóm. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, mỗi buổi sinh hoạt đã tạo không khí đoàn kết, giúp người nghiện xóa dần cảm giác mặc cảm, tự tin làm lại cuộc đời.

Quan tâm bố trí nguồn lực

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh được biết: Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 xác định nghiện ma túy là bệnh mạn tính và người nghiện là người mắc bệnh, đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài.

Do vậy, để người nghiện từ bỏ hoàn toàn ma túy, ngoài sự quyết tâm của người bệnh trong điều trị theo phác đồ y tế thì rất cần sự đồng hành, sẻ chia của gia đình, cộng đồng.

“Việc thành lập các điểm tư vấn, điều trị nghiện là giải pháp quan trọng, phù hợp với mục tiêu chuyển dần sang hình thức cai tự nguyện tại cộng đồng và gia đình, giúp giảm tải cho cơ sở cai nghiện tập trung”, ông Khoái nói.

Tuy vậy, qua khảo sát thực tế, hiệu quả hoạt động của các điểm tư vấn, điều trị nghiện còn nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu kinh phí hoạt động. Y sĩ Lê Đắc Thắng, thành viên của Điểm phường Đa Mai cho hay: Điểm đặt tại trạm nên đơn vị bố trí 5 cán bộ trực tiếp phục vụ và 4 phòng chức năng song cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ; nguồn thuốc điều trị cắt cơn, giải độc còn thiếu.

Đặc biệt, cán bộ y tế chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, vất vả, nhất là khi luân phiên trực trong thời gian đầu cắt cơn cho người nghiện nhưng trợ cấp thấp. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

Thời gian tới, để phát huy hiệu quả của điểm tư vấn, điều trị nghiện, thực hiện mục tiêu tăng số người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh phối hợp với địa phương vận động, tuyên truyền người nghiện ma túy tham gia cai nghiện; bám sát kết quả hoạt động để đôn đốc các thành viên trong điểm tích cực trong chuyên môn, theo dõi sát sao quá trình hồi phục sau cai để kịp thời động viên người nghiện, hạn chế tối đa trường hợp tái nghiện.

Tham mưu với tỉnh để chỉ đạo các huyện, TP dành thêm kinh phí hỗ trợ điểm hoạt động, ưu tiên tăng mức trợ cấp cho cán bộ phục vụ. “Trong các buổi sinh hoạt nhóm tại điểm, chúng tôi sẽ định hướng để mời những người cai nghiện thành công đến chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình cai nghiện. Từ đó tạo động lực để người nghiện vượt qua mặc cảm.

Thêm nữa, ngành chức năng, hội, đoàn thể ở địa phương quan tâm giới thiệu việc làm phù hợp, giúp người nghiện sau cai có thu nhập ổn định, quên đi quá khứ, làm lại cuộc đời”.

* Hiện nay, toàn tỉnh có 203/230 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy với hơn 2,3 nghìn người có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, có khoảng 1,3 nghìn người nghi nghiện. Số người nghiện tập trung nhiều ở các huyện: Lục Ngạn, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hoà, TP Bắc Giang.

Top