Hải quan: Kiểm soát ma túy ở tất cả các khâu nghiệp vụ

20/11/2019 15:16

Ngành Hải quan xác định phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của toàn ngành Hải quan, không chỉ của riêng lực lượng chuyên trách. Kiểm soát phát hiện ma túy là trách nhiệm của tất cả các công chức ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan (từ tiếp nhận hồ sơ phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra, kiểm định).

Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy gia tăng trên các tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tội phạm ma túy đã lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, kiểm tra hàng hóa, hành lý, phương tiện, chính sách tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp, kinh doanh khởi nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp làm bình phong để đưa ma túy từ vùng “Tam giác vàng”, Lào và Campuchia về Việt Nam hoặc sản xuất ngay ở trong nước để tiêu thụ và trung chuyển đi các nước thứ ba. 

Nhằm tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy trong ngành Hải quan, trong 2 năm qua, Tổng cục Hải quan đã lần lượt ban hành Chỉ thị số 4550/CT-TCHQ (ngày 2/8/2018) về đấu tranh phòng, chống ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và Kế hoạch 4575/KH-TCHQ (5/7/2019) về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy trong ngành Hải quan. Trong đó, Kế hoạch 4575 được Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy.

Thống kê từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng đã bắt giữ 130 vụ, 92 đối tượng, trong đó có nhiều vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, xuyên quốc gia vào Việt Nam với số lượng lớn, được Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác phòng chống, phát hiện ma túy trong ngành Hải quan còn nhiều bất cập. Công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy giữa lực lượng hải quan với các cơ quan liên quan còn có một số tồn tại, hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Cơ chế phối hợp hoạt động trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng: hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Việc trao đổi và phản hồi thông tin nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nhất là những thông tin liên quan đến đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý hoặc kết quả xử lý các vụ việc, tang vật liên quan đến tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý qua biên giới đã bắt giữ.

Công tác phối hợp trong quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy mà chủ yếu là tiền chất ma túy mới dừng lại ở mức kiểm soát trong các khâu xuất, nhập khẩu, chưa quan tâm đến việc quản lý, sử dụng, tiêu hao, tồn đọng trong các khu vực kiểm soát hải quan mà tội phạm ma tuý có thể lợi dụng điều chế, sản xuất ma tuý tổng hợp...

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng phòng ngừa, phát hiện và triệt phá các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy; chủ động có giải pháp kịp thời ngăn chặn và bịt kín các sơ hở không để cho tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, du lịch, quản lý tiền chất trong công nghiệp, y tế và các quy trình, quy định nghiệp vụ hải quan để vận chuyển ma túy qua các khu vực kiểm soát hải quan hoặc đưa các phương tiện, dụng cụ, tiền chất để sản xuất ma túy trong địa bàn kiểm soát hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường kiểm soát các hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất, phương tiện, dụng cụ, máy móc, thiết bị có thể dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong quá trình tổ chức triển khai kế hoạch luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, sản xuất, đầu tư, du lịch, nhưng đảm bảo kiểm soát ma túy, tiền chất có hiệu quả. 

Top