Góp ý về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

16/04/2014 13:00

Việc cho phép mang thai hộ là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con để thực hiện được quyền làm cha mẹ.

Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi về vấn đề mang thai hộ và gia đình” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Viện Friedrich – Ebert (FES) của CHLB Đức vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Việc mang thai hộ xuất phát từ thực trạng nhiều cặp vợ chồng khao khát có con đẻ nhưng không thể mang thai được. Ảnh minh họa

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đồng thời giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Dự án này sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề mang thai hộ và gia đình với hướng tiếp cận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ. Trong đó, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được các đại biểu đặc biệt tập trung vào thảo luận. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” bởi nó xuất phát từ thực trạng nhiều cặp vợ chồng Việt Nam khao khát có con đẻ nhưng không thể mang thai được.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự e ngại, trăn trở bởi đây là vấn đề phức tạp trong khi Dự thảo còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, khi bị lợi dụng sẽ gây ra thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em sinh ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, việc mang thai hộ đảm bảo tính nhân đạo không chỉ tốt cho chính những người phụ nữ cần mang thai mà còn tốt cho bác sĩ sản khoa. Những cặp vợ chồng hiếm muộn con nhưng có khả năng có con thực hiện được “quyền có con”. Kỹ thuật này còn tốt ở chỗ nếu được cho phép, bác sĩ sản khoa sẽ tự tin, kịp thời hơn trong xử lý tai biến sản khoa và nhiều phụ nữ cũng không phải chịu cảnh nguy hiểm tính mạng nếu tự mình mang thai.

Để đảm bảo tính an toàn và nghiêm minh, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cho rằng, chỉ nên cho phép trung tâm lớn đảm bảo kỹ thuật được thực hiện kỹ thuật này, trong thời gian đầu chỉ cho phép 1,2 trung tâm thực hiện để kiểm định, theo dõi tính khả thi.

Đưa ra ý kiến về những quy định trong dự thảo, Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm – Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế và HIV/AIDS cho rằng: “Dự thảo luật cần quy định cụ thể trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết mà con chưa được sinh ra hay đã được sinh ra nhưng chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ thì đứa trẻ vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của bên nhờ mang thai hộ, như vậy mới đảm bảo để đứa trẻ sinh ra không bị thiệt thòi”.

GS. TS. Herta Daeubler – Gmelin, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Đức cũng nhất trí với những quan điểm trên, ông cho biết nhiều điều luật của Việt Nam và của Đức có sự khác biệt nhưng đều có điểm chung, đó là vấn đề gia đình là vấn đề rất quan trọng đối với các thành viên trong xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ. Chính vì vậy, trong điều luật, các quy định đưa ra phải luôn đảm bảo được quyền lợi, vị trí, vai trò của phụ nữ và con cái. Bên cạnh đó, khi xác định mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, phải khẳng định được rõ vai trò của phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, trong hai năm qua, từ khi có chủ trương sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, đánh giá việc thực hiện Luật trong các tầng lớp phụ nữ; thu hút nhiều ý kiến đóng góp, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Qua hội thảo lần này, hội sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến và gửi lên Ban soạn thảo dự thảo nhằm góp phần xây dựng hệ thống hành lang pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và mong mỏi của người dân.
Top