Giúp người cai nghiện có nhiều lựa chọn, chế độ tốt hơn

25/01/2020 13:53

Nếu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện và bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc thì sẽ nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy hiện nay, cả Nhà nước và người dân đều được hưởng lợi.

Một buổi sinh hoạt tập thể chung (theo từng tổ) nhằm giáo dục sửa đổi hành vi nhân cách cho người cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy sô 5 Hà Nội do chính học viên thực hiện (Giao ban DAYTOP). Ảnh: H.A

Thông qua việc quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện, đặc biệt là chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức cai nghiện dân lập sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Tuy nhiên, cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện dân lập cho phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội. Huy động được nguồn lực xã hội để phục vụ công tác cai nghiện ma túy.

Khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý có 2 biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện (tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện); cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

Trong khi tình hình số người nghiện mới gia tăng thì công tác cai nghiện nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; cán bộ làm công tác cai nghiện chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần; đội ngũ cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cai  nghiện tại cộng đồng chưa được củng cố, kiện toàn; công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp; chưa có quy định xử lý, quản lý và cai nghiện đối với người nước ngoài.

Công tác xã hội hóa cai nghiện tự nguyện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao. Cơ sở vật chất ở các cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng đẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt của học viên, gây bức xúc cho học viên.

Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn vướng mắc; chưa có cơ sở pháp lý cho lực lượng y tế giữ người nghiện từ 3-5 ngày để thực hiện đánh giá tình trạng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xác định tình trạng nghiện ma túy.

Theo đánh giá của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, thì chi phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho biện pháp cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng là 1,068 triệu đồng/người/lần, mỗi năm bình quân cai nghiện cho 4.320 người. Như vậy, chi phí cho công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng là 4.320 người x 1,068 triệu = 4,613 tỷ đồng. Đối với cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, giai đoạn 2017 – 2018, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người với chi phí cho 01 người khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 15,245 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay số lượng cơ sở cai nghiện bắt buộc là 105 cơ sở, chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2018 mỗi năm là 180,9 tỷ đồng, chi phí vận hành các cơ sở cai nghiện mỗi năm 919,4 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến nếu đến năm 2020 bổ sung 15 cơ sở cai nghiện ngoài công lập thì sẽ giảm chi cho ngân sách 53,4 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở cai nghiện công lập và ngoài công lập và đến nay chưa có cơ sở cai nghiện ngoài công lập nào được hỗ trợ, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư mang tính xã hội, lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, mô hình này chưa phát huy được hiệu quả cao

Có thể nói, hiện nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa có khả năng tăng nguồn thu trong giai đoạn tới, lại phải giảm bớt chi tiêu công và chủ yếu dành cho các mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu như phát triển và tăng trưởng kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ.... nên ngân sách không đủ để đáp ứng công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc nên công tác này trên thực tế vẫn còn hạn chế, không tạo được sự bứt phá. Do vậy, phải có một cơ chế mới, đặc thù để huy động kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động cai nghiện tự nguyện, giảm gánh nặng, tiết kiệm cho ngân sách, bảo đảm đáp ứng đủ và bền vững cho công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, dự kiến Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) sẽ bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Nhà nước như: Khuyến khích quyên góp xã hội cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng, và nhận được ưu đãi thuế theo pháp luật; khuyến khích triển khai nghiên cứu khoa học kỹ thuật phòng, chống ma túy, phổ biến kỹ thuật kiểm tra ma tuý tiên tiến, phương pháp trang bị và cai nghiện.

Bổ sung quy định trường hợp phải cai nghiện tại các cơ sở bắt buộc

Cơ quan Công an có thể tiến hành kiểm tra khi cần thiết đối với người nghi nghiện, người bị kiểm tra có trách nhiệm phối hợp; trong trường hợp người bị kiểm tra chống đối thì cơ quan Công an có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau khi được phê chuẩn của người phụ trách cơ quan Công an cấp huyện trở lên hoặc người phụ trách đồn Công an.

Bổ sung quy định trường hợp người nghiện ma túy phải cai nghiện tại các cơ sở bắt buộc: (1) Không thực hiện cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; (2) Sử dụng trái phép chất ma tuý trong thời gian cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; (3) Vi phạm nghiêm trọng thoả thuận cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; (4) Sau khi thực hiện cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nghiện nặng nếu đã cai nghiện tại cộng đồng, gia đình mà không cai nghiện thành công thì phải cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngoài ra một số nội dung cụ thể khác dự kiến nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung như: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ lần thứ 2 trở lên hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Thời gian áp dụng biện pháp là 24 tháng; áp dụng mức tăng nặng theo tần xuất vi phạm và mức độ sử dụng ma túy.

Áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục, cai nghiện tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi, có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định hoặc gia đình có yêu cầu thì đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy để quản lý và áp dụng biện pháp giáo dục, cai nghiện đối với họ.

Sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng quy định rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế việc quản lý người nghiện ma túy là người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng. Đồng thời, bổ sung các biện pháp can thiệp cắt cơn nghiện đối với người nghiện ma túy là người bị tạm giữ, tạm giam

Bổ sung các qui định can thiệp dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện bao gồm các chương trình can thiệp phổ quát, can thiệp chọn lọc và can thiệp chỉ định; theo đó, tổ chức phòng ngừa đối với nhóm có nguy cơ cao, ngăn chặn, tư vấn, giáo dục… đối với người sử dụng ma túy trái phép.

Bổ sung qui định về xử lý người nước ngoài sử dụng trái phép chất ma túy và điều trị nghiện ma túy cho người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp nhận người Việt Nam sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy được người nước ngoài trao trả; xử lý đối với trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy không chấp hành các quy định về nghĩa vụ của họ.

Bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế

Cai nghiện tự nguyện tại cơ sơ cai nghiện công lập hay ngoài công lập đều thực hiện bằng một chính sách xã hội hóa chung, không phân biệt. Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản, cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam, nhất là vấn đề quyền con người, quyền công dân và đây cũng là môi trường tốt để người nghiện nhận được sự chăm sóc, chia sẻ của gia đình, cộng đồng. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; giao các Điểm tư vấn, cai nghiện ma túy tại cộng đồng trực tiếp thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ xã hội chính quy, chuyên nghiệp làm nòng cốt; lấy giải quyết việc làm và hỗ trợ sinh kế bền vững làm trọng tâm.

Chuyển từ quản lý bắt buộc sau cai sang hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai, tức là họ có quyền tự nguyện tham gia các chương trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; quy định cụ thể, rõ ràng về các dịch vụ, mức hỗ trợ, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này; trong tổ chức thực hiện, phải quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, không “khoán trắng” cho Ủy ban nhân dân cấp xã như hiện nay.

Theo Bộ Công an, nếu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện và bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc thì sẽ nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy hiện nay, cả Nhà nước và người dân đều được hưởng lợi; tội phạm, tệ nạn ma túy giảm, số lượng người tái nghiện giảm, sức khỏe cộng đồng được nâng cao, các yếu tố làm suy thoái nòi giống không còn, an ninh, trật tự được bảo đảm, giảm ngân sách của Nhà nước trong phòng chống ma tuý, phòng ngừa tệ nạn ma túy.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để tổ chức thực thi các quy định của Luật, đặc biệt là củng cố bộ máy, nhân lực làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra ở địa phương, cấp cơ sở.

Top