Gian nan cuộc chiến chống bệnh lao tại Ấn Độ

10/10/2019 11:58

Ấn Độ là quốc gia có số người mắc lao nhiều nhất trên thế giới với hơn 2 triệu bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao mỗi năm.

 Một cuộc diễu hành tuyên truyền, phòng chống bệnh lao ở Hyderabad, miền Trung Ấn Độ. Ảnh: liberation.fr

Trong nhiều năm qua, với hạ tầng y tế chưa phát triển và ý thức người dân chưa cao, Ấn Độ vẫn đang gặp khó khăn trên con đường chống chọi với dịch bệnh này.

Ông Sarabjit Chadha, Giám đốc dự án phòng, chống lao Axshya, Ấn Độ cho biết: "Trong số hơn 2 triệu trường hợp mắc lao ở Ấn Độ, trung bình mỗi năm chỉ khoảng 1,5 triệu người chịu đến bệnh viện để kiểm tra. Số còn lại không biết hoặc biết nhưng cứ để bệnh nặng thêm".

Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gióng hồi chuông báo động về sự lan rộng của bệnh lao. WHO nhấn mạnh, mục tiêu loại bỏ căn bệnh này vào năm 2030 sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia tích cực của Chính phủ Ấn Độ.

New Delhi đã tuyên chiến với căn bệnh này, tăng gấp đôi ngân sách trong hai năm lên tới 418 triệu euro vào năm 2018 (trong đó hơn 110 triệu euro từ nguồn tài trợ nước ngoài). Ấn Độ khẳng định sẽ nhổ tận gốc căn bệnh vào năm 2025.

Vì vậy, thay vì chờ bệnh nhân đến khám, Chính phủ Ấn Độ đã tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, như: Hỗ trợ thực phẩm trị giá 500 rupee (6,39 euro) mỗi tháng cho mỗi bệnh nhân, khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân, điều trị dự phòng cho những người không bị nhiễm bệnh cũng như trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân. Trẻ em sơ sinh cũng được tiêm vaccine BCG để phòng bệnh lao.

Số liệu thống kê cho thấy, năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận 2,7 triệu ca mắc mới, nhiều hơn 1/4 số người bị lao của cả thế giới. Trong số đó, có tới 421.000 người đã tử vong, nhiều hơn cả số trường hợp tử vong bởi HIV/AIDS và sốt rét. Tuy nhiên, trong năm qua có 2,15 triệu bệnh nhân ở Ấn Độ đã được điều trị, tăng cao so với 1,9 triệu vào năm 2017.

Khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị bệnh lao là thời gian kéo dài và phức tạp. Bệnh nhân phải uống tối thiểu bốn loại kháng sinh mỗi ngày trong ít nhất 6 tháng. Do đó, việc theo dõi bệnh là rất cần thiết nhưng các bác sĩ tại các bệnh viện công, nơi chăm sóc miễn phí bệnh nhân lao, lại quá mỏng. Thêm vào đó, tình trạng kháng kháng sinh cũng khiến mục tiêu loại bỏ bệnh lao gặp nhiều khó khăn. WHO ước tính rằng, 135 nghìn người “đa kháng thuốc”, nghĩa là họ không còn đáp ứng với ít nhất hai loại kháng sinh “tiền tuyến” mạnh nhất là rifampicin và isoniazid.

May mắn là hiện đã có thuốc điều trị “đa kháng sinh” là bedaquiline và delamanid. Hai loại thuốc này đã được Mỹ và châu Âu phê duyệt từ năm 2013 đến 2014, và WHO đã kịp thời khuyến nghị dùng bedaquiline để thay thế thuốc tiêm, vì xét nghiệm lâm sàng loại kháng sinh này mang lại 79% cơ hội phục hồi. Nhưng những loại thuốc này rất đắt, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Trước thực tế trên, Bộ Y tế Ấn Độ đã quyết định chi khoản tiền lớn để mua loại thuốc mới này trong những tháng tới - một bước đầu tiên nhỏ để ngăn chặn đại dịch lao.
Top