“Giật mình” số vụ ly hôn do bạo lực gia đình

17/04/2014 14:39

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có khoảng 8.000 vụ ly hôn có nguyên nhân xuất phát từ bạo lực gia đình.

Mặc dù thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ, nhưng trên thực tế, bạo lực vẫn tiếp tục gây ra những đau đớn về thể xác, tinh thần, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều chị em.

Ở Việt Nam có những câu ví von như “Gia đình là tổ ấm”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, tuy nhiên, điều đáng buồn là cuộc hôn nhân của một số phụ nữ không được thuận lợi và tổ ấm của họ trở thành nơi chứa chất những nỗi buồn, nỗi đau đớn và tủi nhục. Đây là một thực tế tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Hàng trăm bức ảnh, hiện vật “biết nói” về bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã được giới thiệu tại triển lãm "Nước mắt cười" do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức mới đây. Ảnh Nhật Thy

Bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 87,5% số vụ gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 89% gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội;  91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp luật.

Báo cáo năm 2011 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, khoảng 30% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực tình dục và 10-50% phụ nữ từng bị bạo lực tình dục trong đời. Bên cạnh đó, theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hơn 70% các ca lây nhiễm HIV là qua đường tình dục và 1/3 số người nhiễm HIV hiện nay là phụ nữ...

Theo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta. Từ lâu nay, chế độ phụ hệ, tư tưởng 'trọng nam, khinh nữ' kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây, người phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Khi nền kinh tế thị trường, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi và thành đạt hơn chồng thế nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi. Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình mà nguyên nhân là một số ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình bị lung lay.

Phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Top