Gặp mặt thường niên Mạng lưới MSM-TG Việt Nam

05/09/2018 17:34

Ban điều hành Mạng lưới MSM-TG Việt Nam vừa phối hợp với các nhóm cộng đồng thành viên và các nhà tài trợ đồng tổ chức buổi Gặp mặt thường niên Mạng lưới MSM-TG Việt Nam 2018. Đây là cuộc gặp mặt lần thứ 5 của Ban điều hành Mạng lưới MSM-TG.

Gặp mặt thường niên được diễn ra với 5 phiên toàn thể và 1 phiên dành riêng cho cộng đồng người chuyển giới với các chủ đề thảo luận rất đa dạng với nội dung “Truyền thông mạng xã hội; tập huấn giới tính và tình dục”.

Đại diện Ban điều hành Mạng lưới MSM-TG Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt thường niên. Ảnh: Thùy Chi

Gặp mặt thường niên Mạng lưới MSM-TG Việt Nam tập trung vào các mục tiêu sau: Chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, xác định các ưu tiên về vận động chính sách và chương trình nhằm tăng cường tính bền vững của các tổ chức cộng đồng; kết nối, giao lưu truyền cảm hứng, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến phòng chống HIV/AIDS, quyền và bình đẳng giới; tạo cơ hội cho nhóm dễ bị tổn thương hoà nhập cộng đồng; xác định các vấn đề ưu tiên của các cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng trong thời gian tới; xây dựng chiến lược hoạt động của mạng lưới giai đoạn 2018-2022.

Tại buổi gặp mặt thường niên, Ths. Nguyễn Thị Minh Tâm giữ chức Vụ trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, ước tính hiện có khoảng 170.000 nam quan hệ đồng tính (MSM). Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội cho thấy MSM với độ tuổi trung bình 23, chiếm tới 37% trong số mới nhiễm HIV trong vòng 6 tháng (1/1-30/6/2018) qua. Cùng với kết quả của báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, cho thấy nhóm MSM đang là nhóm có nguy cơ rất cao lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 5,1% năm 2015 lên 7,36% năm 2016.

Chính vì vậy, để dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm này, cần phải sớm giúp nhóm tiếp cận với chương trình bằng cách trực tiếp, qua mạng xã hội; tiếp cận và xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích.

Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng ma túy tổng hợp trong nhóm MSM ngày càng tăng cũng là điều cần phải quan tâm. Ngay cả khả năng chi trả xét nghiệm HIV, điều trị ARV và PrEP của nhóm cũng là việc cần bàn.

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV/AIDS, tại buổi gặp mặt thường niên, cộng đồng MSM, chuyển giới được tập huấn với thông điệp U=U (Không phát hiện = Không lây nhiễm). Đại diện của CDC đã trình bày những bằng chứng khoa học cho thấy “người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thực sự không có nguy cơ lây HIV sang bạn tình”.

Hiện nay chiến dịch U=U toàn cầu đã lan rộng đến 650 tổ chức ở 79 quốc gia. Thông điệp U=U đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt là Không phát hiện = Không lây nhiễm. Ý nghĩa quan trọng của thông điệp được thể hiện qua phát biểu của một số bệnh nhân như: “Tôi biết rằng khi tôi tuân thủ điều trị HIV, tôi không thể lây HIV sang bạn tình”, “Cuộc đời tôi đã thay đổi: Uống thuốc hàng ngày giúp tôi khỏe mạnh và bảo vệ bạn tình của tôi. Tôi đã có tình yêu và cuộc đời tôi hằng mong ước” và “Chúng ta có thể làm được: Không tự kỳ thị về tình trạng nhiễm HIV của mình và không lo sợ lây nhiễm cho bạn tình”…

Không chỉ cộng đồng MSM thuộc nhóm nguy cơ cao, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng chuyển giới cũng được các đại biểu tại buổi gặp mặt thường niên quan tâm. “Bối cảnh Việt Nam và Dự thảo luật Chuyển đổi giới tính” là thảo luận chung tại hội trường. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới từ 0,3-0,5% dân số. Việt Nam ước tính có 290.000-480.000 người chuyển giới. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề như các điều kiện để được công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; đăng ký thay đổi hộ tịch và các giấy tờ pháp lý liên quan…

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, chiến lược mạng lưới MSM-TG giai đoạn 2018-2023 của Ban điều hành Mạng lưới MSM-TG Việt Nam là: Trở thành một tổ chức độc lập, nhận tài trợ trực tiếp từ các dự án trong nước và khu vực; tiếp tục triển khai nghiên cứu online về hành vi tình dục của MSM trẻ tại Việt Nam đến hết 2020; tiếp tục xây dựng cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế của cộng đồng MSM-TG (giai đoạn 2018-2023 và tầm nhìn đến 2030); xây dựng và triển khai các hoạt động và chương trình về can thiệp giảm kỳ thị - tự kỳ thị trong cộng đồng MSM-TG (Dự án C.O.C Hà Lan); tăng cường can thiệp và tài trợ cho nhóm MSM-TG trên toàn quốc; vận động chính sách về quyền và y tế tại địa phương và trung ương (Bộ Y tế, VAAC, PAC, cơ sở y tế…); tổ chức gặp mặt thường niên mạng lưới hàng năm để cùng nhìn lại hành trình phát triển cũng như chia sẻ những kiến thức và những sáng kiến mới trong cộng đồng.
Top