Gần 63 nghìn người được tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS

19/12/2018 17:03

Trong 11 tháng năm 2018, Dự án VUSTA-Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho 62.977 người, phát hiện 2.010 trường hợp nhiễm HIV, kết nối 1.935 người nhiễm HIV điều trị thuốc kháng ARV.

TS. Hoàng Đình Cảnh phát biểu tại cuộc họp giao ban Dự án VUSTA năm 2018. Ảnh: Thùy Chi

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Dự án VUSTA tổ chức họp giao ban, nhằm báo cáo kết quả thực hiện dự án năm 2018 và thảo luận về quản lý, triển khai các hoạt động dự án.

Tập trung hỗ trợ các đối tượng đích

Ông Lê Hùng Việt, Quản lý Dự án VUSTA cho biết, trong 11 tháng năm 2018, dự án đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu. Dự án đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho 62.977 người, bao  gồm: 22.433 người tiêm chích ma túy, 25.495 nam quan hệ đồng tính, 10.324 phụ nữ mại dâm; chuyển giới nữ là 1.725, tư vấn xét nghiệm 53.023 người (84,2% số tiếp cận) đi xét nghiệm HIV, phát hiện 2.010 trường hợp HIV dương tính (3,8%) (trong đó gồm 718 người tiêm chích ma túy, 918 nam quan hệ đồng tính và 293 phụ nữ mại dâm, chuyển giới nữ 81, kết nối 1.935 người với điều trị ARV (96,3%), 100% được điều trị ARV.

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ cho các đối tượng đích thông qua đường dây nóng 18001029. Số cuộc gọi thông qua đường dây nóng là 2.070. Hỗ trợ pháp lý trực tiếp tại 5 tỉnh (Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và TPHCM với 22 cuộc gọi tư vấn, 10 trường hợp đã được trợ giúp. Ngoài ra, dự án đã tổ chức các hoạt động vận động chính sách, tổ chức các lớp tập huấn xét nghiệm tại cộng đồng cho các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và các tiếp cận viên.

Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn, bao gồm: Vật phẩm can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm chưa đáp ứng được yêu cầu của người nghiện chích ma túy (bơm kim tiêm 1 ml và 3 ml); không có kinh phí cho tập huấn kiến thức mới (laytest, ATS, PrEP, PEP…); nhiều người nhiễm HIV và đối tượng đích của dự án chưa có bảo hiểm y tế, trong khi điều trị ARV sẽ được bảo hiểm y tế chi trả; chưa có hướng dẫn quốc gia về dự phòng và điều trị ma túy tổng hợp; trong 6 tháng đầu năm, do kế hoạch của Dự án y tế phê duyệt chậm nên ảnh hưởng đến tiêu hủy bơm kim tiêm của dự án.

Bên cạnh đó, dự án gặp nhiều thách thức do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng của dự án vẫn còn, nhất là trong các cơ sở y tế. Ngoài ra, kế hoạch xoay trục của PEPFA có 8 tỉnh trùng với Dự án VUSTA; nhiều đối tác, nhiều dự án cùng triển khai trên một địa bàn; không chia sẻ thông tin giữa các dự án…

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án VUSTA kiến nghị, đề xuất Bộ Y tế sớm trình Chính phủ và Quốc hội để thảo luận và thông qua Luật Chuyển đổi giới tính và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp nhằm giảm sự kỳ thị, đặc biệt trong các cơ sở y tế và tạo điều kiện nhóm đối tượng đích của dự án và người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tăng cường nhận thức về vị trí và vai trò của các tổ chức cộng đồng (CBO) và xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Tiếp tục duy trì và mở rộng các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Ban hành hướng dẫn về dự phòng và điều trị ma túy tổng hợp cho các đối tượng chính.

Toàn cảnh cuộc họp giao ban. Ảnh: Thùy Chi 

Cung cấp can thiệp giảm hại đến các đối tượng đích

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, dự án VUSTA đã mang lại thành quả rất lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt dự án đã xây dựng được một hệ thống cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng vững mạnh, góp phần bảo đảm bền vững kết quả phòng chống HIV/AIDS. Dự án không chỉ có những gói can thiệp hiệu quả đến các đối tượng đích, mà còn chú trọng nâng cao năng lực cho các tổ chức dựa vào cộng đồng, vận động chính sách, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng đích của dự án tiếp cận y tế…

TS. Hoàng Đình Cảnh nhận định, hiện nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lây nhiễm HIV đang gia tăng rất nhanh, đáng lưu ý số người nhiễm mới có tuổi đời rất trẻ, do đó cần những giải pháp can thiệp hiệu quả tập trung vào nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, nhóm ma túy tổng hợp nhiễm HIV cũng đang có nguy cơ gia tăng lây nhiễm mới HIV nhanh, do đó thời gian tới dự án nên có những gói can thiệp cho đối tượng này.

Tại cuộc họp giao ban, bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam đánh giá, Dự án VUSTA rất xuất sắc khi 3 năm liền đều được Dự án Quỹ toàn cầu xếp hạng A1. Đặc biệt, dự án đã thể hiện được sức mạnh của cả chương trình và quản lý, điều này không phải dễ đối với các dự án khác. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần rất lớn trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Theo bà Marie, thời gian tới cần chú trọng tới công tác dự phòng, hướng tới những đối tượng đích để cung cấp các can thiệp dự phòng. Song song đó, đẩy mạnh các biện pháp truyền thông, nâng cao hiểu biết cho nhóm đối tượng đích và cộng đồng để họ sớm tiếp cận với các dịch vụ y tế và sớm điều trị. Hiện nhu cầu tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm hại phòng tránh lây nhiễm HIV ở Việt Nam rất lớn, nên việc mở rộng can thiệp tại các tỉnh, địa phương khác cũng rất cần thiết.

TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA-Giám đốc Dự án VUSTA, dự án mới được 1/3 chặng đường, tuy nhiên năm 2018 là khởi điểm đầu rất quan trọng. Dự án sẽ đi sâu vào phân tích những khó khăn tồn tại, phân tích các chỉ số, phương thức tiếp cận để thời gian tới tiếp tục đưa ra được những kiến nghị, đề xuất xác đáng, chính xác nhằm góp phần vào những nỗ lực của quốc gia trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS và mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Top