Dự án VUSTA: Tập trung can thiệp tại các địa bàn ‘nóng’

17/12/2018 16:52

Giai đoạn 2018-20120, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (Dự án VUSTA) tập trung hoạt động can thiệp cho các nhóm đối tượng đích ở 32 tỉnh dự án có tỷ lệ tiêm chích ma túy cao, chiếm 44% tổng số người tiêm chích ma túy; 29 tỉnh có số gái mại dâm cao, chiếm 21% tổng số phụ nữ mại dâm (PNMD) và 15 tỉnh có số nam quan hệ đồng giới (MSM) cao.

 Người chuyển giới hoạt động trong nhóm CBO của Dự án VUSTA tham gia Hội thảo Tham vấn ý kiến cộng đồng về quyền của người chuyển giới. Ảnh: Thùy Chi

28.066 MSM sẽ được tiếp cận can thiệp dự phòng vào năm 2020

Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai dự án mới của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam-Dự án VUSTA “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” giai đoạn 2018-2020, để góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Giai đoạn 2018-2020, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam tập trung vào các đối tượng đích, bao gồm: Người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, PNBD, MSM, người chuyển giới (TG) và bạn tình của người nhiễm HIV.

Các ưu tiên địa lý sẽ dành cho 22 tỉnh có gánh nặng bệnh dịch cao và 10 tỉnh có gánh nặng bệnh dịch trung bình, tập trung vào các trường hợp nhiễm HIV đã được báo cáo và ước tính nhu cầu điều trị ARV.

Đối với hoạt động can thiệp cho các nhóm đối tượng đích, chương trình sẽ tập trung vào 32 tỉnh dự án có tỷ lệ tiêm chích ma túy cao, chiếm 44% tổng số người tiêm chích ma túy; 29 tỉnh có số gái mại dâm cao, chiếm 21% tổng số phụ nữ mại dâm (PNMD) và 15 tỉnh có số MSM cao.

Đặc biệt, dự phòng cho nhóm chính, bao gồm nhóm người nghiện chích ma túy (NCMT), nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM), nhóm chuyển giới (TG), nhóm người bán dâm (NBD).

Cụ thể, đối với NCMT, dự án tiếp cận và hỗ trợ 25.423 NCMT năm 2018; mục tiêu 26.600 người NCMT năm 2019 và 27.324 người NCMT năm 2020 với 43,3 triệu chiếc bơm kim tiêm (BKT) sạch và 4,7 triệu chiếc bao cao su (BCS) được phát miễn phí.

Tiếp cận và hỗ trợ 25.380 MSM vào năm 2018, 26.612 MSM năm 2019 và 28.066 MSM năm 2020 với 9,6 triệu chiếc BCS và 9,6 triệu gói (chất bôi trơn) CBT được phát miễn phí; tiếp cận và hỗ trợ 1.725 TG năm 2018, 2.025 TG năm 2019 và 2.265 TG năm 2020 với 7,2 triệu chiếc BCS và 7,2 triệu gói CBT được phát miễn phí; tiếp cận và hỗ trợ 10.277 NBD năm 2018, 11.070 NBD năm 2019 và 11.435 NBD năm 2020 với 11,9 triệu chiếc BCS được phát miễn phí.

Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý để cho các khách hàng; trợ giúp pháp lý liên quan đến HIV cho các nhóm chính; hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế trong chăm sóc điều trị HIV.

Đặc biệt, giai đoạn này, dự án sẽ tăng cường hệ thống cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Cuối năm 2020, sẽ có 97 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đủ năng lực cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho các nhóm KP và vận động chính sách để các nhóm này có thể tiếp cận được các dịch vụ và đóng góp hiệu quả vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Mở rộng xét nghiệm HIV không chuyên do các CBO thực hiện

Trong giai đoạn 2018-2020, Dự án VUSTA tiếp tục các hoạt động thực hiện 3 mục tiêu của dự án: Đó là, cung cấp dịch vụ dự phòng HIV; củng cố hệ thống cộng đồng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tiếp cận dịch vụ.

Một số định hướng mới trong giai đoạn này là mở rộng xét nghiệm HIV không chuyên do các CBO thực hiện tại các tỉnh dự án; kết nối điều trị ARV và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho các bệnh nhân điều trị HIV bỏ trị, mất dấu; hỗ trợ duy trì điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS chuyển từ các dự án quốc tế tài trợ sang bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, tập huấn về các kiến thức mới trong dự phòng HIV: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PreP), sau phơi nhiễm (PEP), hỗ trợ người nhiễm HIV thông báo tình trạng nhiễm cho bạn tình/bạn chích (Partner Notification). Tập huấn về điều trị phục hồi cho người sử dụng ma túy.

Đồng thời, tổ chức tập huấn về quảng bá và tạo cầu nhằm tăng tiếp cận vật phẩm y tế như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, thông qua mạng xã hội và các kênh TV giải trí dành cho giới trẻ.

Các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao; củng cố các hệ thống cộng đồng bền vững và tương thích trong phòng HIV/AIDS; thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện  cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế.

Củng cố hệ thống cộng đồng phát triển bền vững

Mặc dù là năm đầu tiên triển khai dự án mới, tuy nhiên kết quả 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy Dự án VUSTA đã được Quỹ Toàn cầu xếp hạng A1.

Chỉ trong 11 tháng năm 2018, dự án đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu. Tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho 82.922 người bao gồm: 45,707 người tiêm chích ma túy, 25.561 nam quan hệ đồng tính, 10.654 phụ nữ mại dâm; chuyển gửi 63.488 người (65% số tiếp cận) đi xét nghiệm HIV, phát hiện 2.294 trường hợp HIV dương tính (3.6%) (trong đó gồm 1.171 người tiêm chích ma túy, 859 MSM và 264 NBD, kết nối 2.194 người với điều trị ARV (96%). Đường dây nóng 18001029 của dự án đã tư vấn pháp luật liên quan đến HIV/AIDS cho 1.991 cuộc gọi từ các nhóm đối tượng. 

Các tiếp cận viên tại cộng đồng đã triển khai rất tốt xét nghiệm không chuyên tại cộng đồng. Nhiều loại xét nghiệm HIV được các CBO triển khai thành công như test phát hiện sớm HIV trong 14 ngày, test HIV và giang mai, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Số ca HIV dương tính phát hiện mới trong 9 tháng 2018 là 1.822 vào tổng số ca phát hiện mới toàn quốc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xã hội, phòng khám phát triển từ các CBOs đã cung cấp thành công các dịch vụ HIV/AIDS và STIs. Dự án cũng đã đóng góp tích cực cho việc xây dựng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính…

Trong năm 2018, Dự án đã tổ chức thành công 10 lớp tập huấn về tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng tại 9 tỉnh/thành phố cho 177 học viên giúp tăng cường năng lực cho các CBO tổ chức và thực hiện tư vấn xét nghiệm nhanh HIV ngay tại cộng đồng, rút ngắn khoảng cách và e ngại cho khách hàng thay vì phải tới các phòng khám, bệnh viện để làm xét nghiệm nhanh HIV.

Một trong những hoạt động nổi bật của giai đoạn 2018-2020 là mở rộng tiếp cận thêm nhóm khách hàng mới là Chuyển giới nữ (TGW) bên cạnh các nhóm khách hàng quen thuộc được dự án duy trì từ giai đoạn trước đó là NCMT (IDU), MSM, FSW. Trong số 4 nhóm khách hàng được tiếp cận và chăm sóc, tỷ lệ phát hiện dương tính cao nhất ở nhóm TGW (4,8%), tiếp theo là nhóm MSM (4,4%) và thấp hơn ở 2 nhóm NCMT (3,5%) và FSW (3,4%).

Tỷ lệ phát hiện ca dương tính của 9 tháng đầu năm 2018 nhỉnh hơn so với số liệu năm trước đó là 4,2% (MSM), 3,4% (NCMT) và 3,3% (FSW). Tỷ lệ chuyển gửi khách hàng tới dịch vụ OPC trong 4 nhóm khách hàng đều vượt mức 90%, đặc biệt cao hơn 97% ở nhóm TGW và MSM.

Với sự hỗ trợ tạo điều kiện tối đa tại các cơ sở cung cấp dịch vụ, hầu hết 100% các nhóm khách hàng sau khi được giới thiệu đều được đưa ngay vào điều trị ARV.

Ngoài ra, xây dựng, củng cố hệ thống cộng đồng chính là giá trị cốt lõi của dự án nhằm đạt được các mục tiêu trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Năm 2018, toàn dự án đã tuyển chọn được 1.162 tiếp cận viên từ cộng đồng làm việc trong 100 CBO trên 15 tỉnh/thành phố. Tiếp cận viên chính là những đồng đẳng viên cùng cảnh ngộ với nhóm khách hàng đích của dự án. Họ dễ dàng tiếp cận, chia sẻ và thấu hiểu mối quan tâm của khách hàng, để từ đó họ thuyết phục, vận động khách hàng tham gia vào các hoạt động dự phòng của dự án.

Để đạt được mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, thời gian tới dự án sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các tổ chức CBOs, nhằm cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho 4 nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao liên quan tới HIV.

Bên cạnh đó, mở rộng hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đang gián đoạn điều trị ARV (NCH1) và người nhiễm HIV đang điều trị nhưng gặp khó khăn trong tái khám và lĩnh thuốc đúng hẹn (NCH2)…

Bên cạnh đó thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm đảm bảo các quyền của họ về chăm sóc y tế, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử và được tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội.
Top