Đối tượng vi phạm pháp luật có xu hướng trẻ hóa

01/06/2020 17:01

Mặc dù tình hình thanh niên vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội gần đây có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới nguy hiểm hơn và độ tuổi của người vi phạm đang có xu hướng trẻ hóa.

Tuyên tuyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh niên, Ảnh internet

Báo cáo về tình hình Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2015-2018 mới được Bộ Nội vụ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố đã đưa ra thực trạng cũng như những khuyến nghị để phòng ngừa thanh niên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Về tình hình thanh niên mắc tệ nạn xã hội, theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có hơn 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó sử dụng ma túy tổng hợp chiếm hơn 70%. Qua khảo sát ở nhiều địa phương, lứa tuổi thanh niên dùng ma túy tổng hợp có tỷ lệ cao. Người nghiện ma túy, xuất hiện ở mọi thành phần xã  hội, mọi lứa tuổi, song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% trong số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, tệ nạn cờ bạc trong thanh niên còn diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng tinh vi và khó khiểm soát hơn. Loại hình cờ bạc truyền thống có chiều hướng giảm tuy nhiên một số hoạt động đánh bạc dưới hình thức trò chơi điện tử diễn ra trên diện rộng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội phạm đánh bạc sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng ở nước ngoài xây dựng mạng lưới đánh bạc rộng khắp trên cả nước, thành phần tham gia đánh bạc đa dạng từ các đối tượng có tiền án, tiền sự đến học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Theo thống kê của Bộ Công an, tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật hình sự đã có chiều hướng giảm dần, nhưng mức độ tinh vi, nguy hiểm lại cao.

Năm 2015, số vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến thanh  niên vi phạm pháp luật là 31.458 vụ, năm 2016 là 19.970 vụ; năm 2017 và 10.937 vụ;  6 tháng đầu năm 2018 giảm còn 2.744 vụ.

Số vụ thanh niên vi phạm pháp luật giảm qua từng năm. Điều này cho thấy công tác kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới tình hình tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn diễn biến khó lường, sẽ xuất hiện một số băng nhóm manh động, táo bạo, sử dụng hung khi gây ra các vụ án nghiêm trọng...

Thành phần, đối tượng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82%.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, năm 2017, tỷ lệ người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) vi phạm pháp luật là khoảng 26 em trên 100.000 dân số dưới 18 tuổi. Phần lớn vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện là vi phạm hành chính. Năm 2018, 58% số vụ vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện là vi phạm hành chính và 42% là phạm tội hình sự.

Trước thực trạng kể trên, vẫn còn các vấn đề đặt ra về mặt chính sách đối với tình trạng tệ nạn và vi phạm pháp luật trong thanh niên.

Thứ nhất, mặc dù tình hình thanh niên vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội gần đây có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới nguy hiểm hơn và độ tuổi của người vi phạm đang có xu hướng trẻ hóa. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng của tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên vẫn đáng báo động, cần thiết phải có những chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề.

Thứ hai, nhận thức và sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội trong thanh thiếu niên được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt, thanh niên chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự phòng tránh những vấn đề tiêu cực.

Thứ ba, chưa có chính sách ưu tiên đặc thù đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giúp họ tránh xa những nguy cơ trở thành chủ thể hoặc nạn nhân của  vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Thứ tư, các chính sách hỗ trợ thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo tái hòa nhập cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả cần thiết, dẫn đến tỷ lệ tái phạm vẫn còn ở mức đáng báo động.

Thứ năm, việc huy động và tận dụng nguồn lực trong xã hội vào công tác phòng ngừa thanh niên vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.

Để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong thanh niên, cần có chính sách nâng cao nhận thức của toàn xã hội và của chính thanh niên về phòng ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Các biện pháp này có thể rất đa dạng, phong phú như lồng ghép nội dung này trong giáo dục tại nhà trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, lập các diễn đàn, nhóm, tổ phòng ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội...

Có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhằm giúp họ tránh xa nguy cơ trở thành chủ thể hoặc nạn nhân của vi phạm pháp luật. Có chính sách hỗ trợ thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo tái hòa nhập cộng đồng để tái hòa nhập cộng đồng với tư cách là một công dân bình thường trong xã hội cũng như chính sách xã hội hóa công tác phòng ngừa thanh niên vi phạm pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tích cực tham gia, góp phần chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc tăng cường hiệu quả của công tác này.

Top