Đề xuất cấm hành vi hướng dẫn trồng cây ma túy, quảng cáo ma túy trên mạng

03/08/2020 13:56

Bộ Công an đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy trên không gian mạng.

Ảnh minh họa

Dự thảo lần 3 Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã quy định cụ thể 11 hành vi bị nghiêm cấm, tăng 2 hành vi so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008).

Theo đó bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm là: Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát chất ma túy, tiền chất; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật; Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy trên không gian mạng.

Dự thảo đề xuất 11 hành vi bị nghiêm cấm là: (1) Trồng cây có chứa chất ma túy.

(2) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

(3) Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát chất ma túy, tiền chất; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật.

(4) Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

(5) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

(6) Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có.

(7) Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy.

(8) Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy.

(9) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

(10) Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy trên không gian mạng.

(11) Các hành vi trái phép khác về ma túy.

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Theo Bộ Công an, trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các Bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), cũng như với nhiều nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung và quy định mới trong Luật. Tuy nhiên một vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Không cần thiết bổ sung khái niệm "Điều trị nghiện" và đổi tên Chương "Cai nghiện ma túy" thành "Cai nghiện, điều trị nghiện ma túy"  vì nội dung công tác "Điều trị nghiện" thực chất là một quá trình nằm trong tổng thể các bước cai nghiện và hướng đến mục tiêu là giúp người nghiện ngừng sử dụng ma túy, cải thiện sức khỏe, tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy không cần bổ sung khái niệm "Điều trị nghiện" và đổi tên chương "Cai nghiện ma túy".

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Đề nghị bổ sung khái niệm: "Điều trị nghiện ma túy là biện pháp can thiệp chuyên môn y tế bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, kết hợp với các can thiệp về tâm lý, hành vi để giúp cho người nghiện ma túy giảm hoặc ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm các tác hại do sử dụng ma túy gây ra và cải thiện sức khỏe" và đổi tên chương "Cai nghiện ma túy" thành "Cai nghiện, điều trị nghiện ma túy".

Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đề xuất quy định tại dự thảo Luật theo loại ý kiến thứ nhất.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1562/VPCP-PL ngày 29/2/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an đã soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các đơn vị, địa phương. Đến ngày 19/6/2020, Bộ Công an đã nhận được ý kiến của 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các đơn vị, địa phương đã tham gia ý kiến. Trong đó có 29 đơn vị hoàn toàn nhất trí, 44 đơn vị có ý kiến tham gia.

15 đơn vị thuộc Bộ Công an, trong đó có 3 đơn vị hoàn toàn nhất trí, 12 đơn vị tham gia vào Hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Về cơ bản các ý kiến tham gia đều nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật Phòng, chống ma túy. Bộ Công an đã nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc để hoàn thiện dự thảo Luật này. 

Top