Để người chuyển giới không bị phân biệt đối xử và kỳ thị

06/06/2018 13:28

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng, có 18% người chuyển giới (NCG) ở khu vực phía Nam nhiễm HIV và giang mai, 40% chưa bao giờ thực hiện xét nghiệm HIV, 42% bị trầm cảm ở mức độ cao; chỉ 46% phụ nữ chuyển giới có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, người chuyển giới đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, kỳ thị cũng như thiếu hệ thống y tế thân thiện.

Nhiều người chuyển giới có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Ảnh: Thùy Chi

Người chuyển giới đối mặt với nhiều rủi ro, kỳ thị

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, hiện nay đa số người chuyển giới đang sử dụng các loại thuốc hormorne trôi nổi ngoài thị trường, đã có 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon.

Một số người bị kỳ thị khi đi khám tại cơ sở y tế, một số người do e ngại bị kỳ thị mà không dám đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê, vì số lượng NCG sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.

Trong thực tế, đa số NCG bị phân biệt, kỳ thị nên gặp khó khăn trong học tập, lao động, việc làm. Một số người do khao khát có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện nhưng không có kiến thức hoặc không tìm được sự đồng cảm nên đã bị mắc bệnh “phiền muộn giới”, thậm chí có những người quá bức bối, đau khổ đã tự tử để tìm sự giải thoát. Điển hình là Dương Tú Anh, một NCG từng cảm thấy “bản thân chỉ là đồ bỏ đi khi bị kỳ thị do quá khác biệt với mọi người”.

Ông Lương Thế Huy, Viện nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) chia sẻ một nghiên cứu của iSEE cho thấy, 78% NCG muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 NCG thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Một kết quả nghiên cứu khác của iSEE cũng cho biết, 85,9% NCG chịu áp lực từ bên ngoài về thay đổi ngoại hình và cử chỉ, 33,3% phụ nữ chuyển giới bị từ chối không được thuê nhà và bị đuổi khỏi nhà đang thuê; 47,3% nam và 60,7% nữ chuyển giới bị bắt nạt tại trường học…

Ông Lương Thế Huy cho biết, nhu cầu của từng nhóm NCG là khác nhau. Có nhóm chỉ có nhu cầu phi y tế (được sống đúng với bản sắc giới) hay chỉ muốn thay đổi về nhân thân pháp lý, chứ không phải ai cũng có nhu cầu phẫu thuật để chuyển đổi giới tính. Dựa trên nhu cầu đa dạng của NCG, cần có những giải pháp phù hợp để tạo điều kiện cho NCG sống thoải mái với xu hướng giới thực sự của mình.

Sự phân biệt đối xử, kỳ thị không chỉ làm NCG khó khăn trong học tập, lao động mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, bà Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Trung tâm Life – Trung tâm Nâng cao chất lượng và cuộc sống cho biết, một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng nhiễm HIV trong cộng đồng NCG nữ là “bị phân biệt đối xử”. Do đó, Trung tâm Life tập trung để tác động và thúc đẩy nhạy cảm giới và không kỳ thị trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCG để họ có thể sống khỏe mạnh và cống hiến cho xã hội.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSee) cũng cho thấy, nhóm chuyển giới từ nữ sang nam ít có vấn đề về sức khỏe tình dục hơn, vì họ không có nhiều quan hệ tình dục với các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, với nhóm chuyển giới từ nam sang nữ có những rủi ro mắc bệnh lây truyền tình dục rất cao. Với những nhóm kiếm tiền bằng cách làm mại dâm, mặc dù được nghe tuyên truyền nhiều về HIV và các bệnh lây nhiễm, nhưng vì phải chiều khách hàng, nên nhiều khi họ không dùng bao cao su.

Với những người không làm gái mại dâm, thì việc quan hệ với người tình ít khi được bảo đảm. Do cảm thấy yếu thế trong mối quan hệ, nhóm chuyển giới từ nam sang nữ thường phải chiều chuộng người đàn ông dị tính của mình bằng mọi cách, kể cả bằng tình dục, vì thế các biện pháp bảo đảm an toàn thường bị bỏ qua. Nguy cơ bị mắc các bệnh sùi mào gà, HIV... ở nhóm này rất cao. Trong khi đó, họ lại không dám đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh nên rất dễ gặp những hậu quả đáng tiếc.

Trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Trong bối cảnh các nguyên tắc nhân quyền và quyền y tế được quan tâm hiện nay, nhiều quốc gia ở đã triển khai một hệ thống y tế dành cho người chuyển giới, tập trung vào các cá nhân mong muốn phẫu thuật thay đổi giới tính, thì ở Việt Nam, các vấn đề này hiện nay mới đang được xem xét sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Với quy định này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 11 tại châu Á hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Quy định này đã phản ánh tinh thần vì quyền con người của Hiến pháp năm 2013, đánh dấu một bước tiến mới trong vấn đề quyền con người ở nước ta theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và xu thế phổ biến trên thế giới. Hiện, dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Tuy nhiên, thời gian chưa nhiều để có được những kết quả rõ ràng, nhất là khi pháp luật chuyên ngành về chuyển giới chưa được ban hành. Hiện một số bệnh viện đã có phòng khám tư vấn cho người chuyển giới, đồng tính và một số tổ chức xã hội dân sự cũng đã có nhiều hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức của cộng đồng chuyển giới về các vấn đề y tế, phòng tránh các bệnh tình dục…

Gần đây nhất Trung tâm Life đã triển khai một số dự án như: Thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới nữ; tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía nam… Đối tượng hướng tới của các dự án này không chỉ là người chuyển giới nữ, mà còn các nhân viên y tế.

Đặc biệt, thông qua dự án Bộ quy tắc ứng xử của cơ sở y tế nhạy cảm giới cũng đã được giới thiệu đến các cơ sở y tế cộng đồng. Giám đốc Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, Nguyễn Nguyên Như Trang cho rằng, nhân viên y tế cần được trang bị kiến thức, những kỹ năng cơ bản để khám, tư vấn cho người chuyển giới. Từ việc nâng cao nhận thức, sẽ đi đến giảm sự phân biệt kỳ thị, sự e ngại khi tư vấn, thăm khám cho người chuyển giới.  

Có thể thấy, hành trình để những quy định cụ thể, chuyên ngành dành cho người chuyển giới còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó không chỉ là việc sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn là những điều kiện cần và đủ để những quy định được thi hành trên thực tế.

Trong khi chờ đáp ứng đủ những điều kiện trên thì có những việc chúng ta nên làm ngay, như đẩy mạnh việc tiếp cận, xét nghiệm và hỗ trợ người chuyển giới nữ nhiễm HIV vào chương trình điều trị; đồng thời hỗ trợ người chuyển giới nữ tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh lây qua đường tình dục, dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Việc này giúp cho cộng đồng NCG bảo đảm sức khỏe, sống có ích cho xã hội.

Top