Công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn gặp nhiều khó khăn

27/09/2014 15:05

Sáng 27/9, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và  Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai. Ảnh: Nhật Thy.

Trong những năm qua, việc cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý thông qua việc thực hiện Luật phòng, chống ma tuý và Luật xử lý vi phạm hành chính đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đại phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý tại các địa phương như việc thông tin tình hình người nghiện, tổ chức sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; xã hội hoá công tác cai nghiện…

Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, việc thực hiện các quy đinh mới về xử lý vi pham hành chính đối với người nghiện ma tuý còn khó khăn, lúng túng do việc chậm ban hành và chưa đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, hơn 8 tháng kể từ khi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, cho tới nay hầu như chưa có địa phương nào tổ chức thực hiện việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng trình tự, thủ tục đã được ban hành. Số người nghiện tại cộng đồng tăng (số người chấp hành cai tại trung tâm hết thời gian được trả về địa phương, số người nghiện mới tăng) là nguyên nhân gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội và gây nhiều bức xúc cho người dân, làm cho việc quản lý trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, sở dĩ, từ đầu năm đến nay các địa phương chưa đưa được người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc do còn thiếu một số văn bản các bộ, ngành chưa ban hành như Hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy; Hướng dẫn thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Hướng dẫn kinh phí thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt ..

Những tồn tại, bất cập trong các văn bản pháp luật cũng khiến cho công tác này gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng gặp phải nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện. Các địa phương đã triển khai thì phạm vi triển khai còn nhỏ hẹp.

Công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương chưa chặt chẽ: Sở Y tế chưa tiến hành tập huấn xác định tình trạng nghiện cho cán bộ xã, phường, thị trấn; Công an tỉnh, thành phố chưa hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Sở Tư pháp chưa hướng dẫn thẩm tra hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; ngành Tòa án chưa hướng dẫn các thẩm phán trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề về công tác cai nghiện ma túy, cần có một số nội dung giải pháp trước mắt cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai như giải quyết bất cập giữa các chính sách hiện hành không thuộc thẩm quyền của các Bộ và Chính phủ...

Kết thúc phiên giải trình, Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, các địa phương trong chỉ đạo điều hành công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, trước thực trạng nghiện ma tuý rất phức tạp kể cả ngoài xã hội, trong trại giam, trại cai nghiện, việc triển khai chính sách pháp luật còn nhiều vướng mắc, khó khăn thì quan trọng nhất cần làm là đẩy mạnh công tác phòng ngừa.

“Làm thế nào để hạn chế thẩm lậu ma tuý vào Việt Nam; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cá nhân, gián tiếp là nâng cao đời sống, tạo việc làm, xây dưng môi trường lành mạnh là quan trọng”, bà Trương Thị Mai nói.

Bà Trương Thị Mai yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình; xử lý hành chính tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc...

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện rất quyết liệt công tác phòng, chống ma túy. Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội có cơ chế phối hợp giám sát công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai; đề nghị khẩn trương xây dựng Luật Điều trị và dự phòng ma túy để hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phiên giải trình cho biết: Tính đến cuối tháng 8-2014, cả nước có gần 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong 20 năm kể từ năm 1994, trung bình mỗi năm tăng khoảng 6.400 người. 

 

 

Top