Còn nhiều bất cập trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

01/08/2020 10:05

Thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, ngày 11/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người (Nghị định số 09/2013/NĐ-CP). Nghị định đã cụ thể hóa các quy định của Luật về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ với nạn nhân, đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân.

Nghị định cũng dành một chương riêng (chương II) quy định chi tiết về các thủ tục thành lập, tổ chức và hoạt động của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Các quy định này đã xác lập một cơ chế toàn diện để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó đã tính đến đặc điểm và những nhu cầu riêng của từng nhóm đối tượng nạn nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua 7 năm thi hành, Nghị định đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Thứ nhất là, đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân: Theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP thì: (i) cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật; (ii) cơ sở hỗ trợ nạn nhân chỉ được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trong phạm vi Giấy phép thành lập; tuân thủ pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác hỗ trợ nạn nhân của Bộ LĐTB&XH; (iii) không cấp phép thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều này dẫn đến, thực tế đã hạn chế một nguồn lực lớn có thể huy động để giúp đỡ các nạn nhân. Nguồn lực này không chỉ dưới dạng vật chất, mà cả về nhân lực, kỹ năng quản lý, hỗ trợ về tâm lý, y tế cho nạn nhân mà một số tổ chức và cá nhân nước ngoài rất có kinh nghiệm. Số lượng nạn nhân bị mua bán trở về của mỗi tỉnh không nhiều. Hầu hết các nạn nhân sau khi được xác minh, tiếp nhận đều mong muốn sớm trở về gia đình để làm ăn, ổn định cuộc sống. Một số ít trong thời gian chờ xác minh được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Trên thực tế, đang tồn tại các cơ sở thực hiện chức năng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nhưng chưa có cơ chế quản lý rõ ràng cũng như những hỗ trợ cả về kinh phí và kỹ thuật từ các cơ quan quản lý, từ ngân sách Nhà nước để giúp cho việc vận hành và hoạt động của các cơ sở này hiệu quả hơn.

Thứ hai là, đối với việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân, về thời gian hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân tối đa là 60 ngày hiện đang không thống nhất với quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 90 ngày. Bên cạnh đó, chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Với các trường hợp này, cán bộ phải thuê phiên dịch để hỗ trợ quá trình tiếp cận, xác minh, xác định nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân; Quy định về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu, đối với hỗ trợ quần áo của nạn nhân mới quy định cấp 02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót mà chưa quy định quần áo mùa đông đối với các nạn nhân lưu trú tại các tỉnh miền Bắc. Nghị định mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Thực tế, nạn nhân của nạn mua bán người, thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho công an, biên phòng. Do đó, việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tại đồn biên phòng hoặc công an. Trong khi tại những cơ sở này, không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới khi tiếp nhận nạn nhân nữ. Ngay cả khi vào lưu trú tại cơ sở bảo trợ thì các cán bộ làm công tác tư vấn tại cơ sở bảo trợ xã hội chưa được cung cấp kiến thức và đào tạo kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán, nhất là đối với những nạn nhân bị sang chấn tâm lý.

Việc hỗ trợ y tế, các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở;

Bên cạnh đó, theo quy định, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân cũng khó thực hiện do yêu cầu nạn nhân phải là hộ nghèo. Thực tế, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều thuộc diện khó khăn, diện nghèo rất cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Nhưng do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương, không có khẩu nên khó có thể xác định hộ nghèo. Vì vậy, không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn ban đầu.

Hỗ trợ học nghề cũng chưa hiệu quả do hầu hết nạn nhân trở về muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Có nạn nhân muốn học nghề nhưng khó tổ chức được lớp do nạn nhân trở về vào các thời điểm khác nhau mà các lớp học nghề tại địa phương không mở thường xuyên. Khi đối tượng về thì chưa có lớp, khi có lớp thì nạn nhân lại rời khỏi địa phương vì họ phải đi kiếm sống hoặc có thể không thích/hoặc không phù hợp học nghề đó. Việc hỗ trợ kinh phí theo quy định để nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, nạn nhân không có thêm tiền bù vào để học.

Hỗ trợ vay vốn là nội dung thực hiện được ít nhất trong số các nội dung hỗ trợ. Những khó khăn bao gồm nạn nhân không có các tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thứ ba là, về quy trình hỗ trợ nạn nhân: việc hỗ trợ nạn nhân là toàn bộ các bước, các dịch vụ hỗ trợ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giúp nạn nhân ổn định về tâm lý, thể chất, các điều kiện xã hội cần thiết để hòa nhập cộng đồng, xã hội, gồm: hỗ trợ ban đầu; hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập. Tuy nhiên, các cơ quan được giao thực hiện hỗ trợ không có sự kết nối để thực hiện hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho nạn nhân dẫn đến nạn nhân sau khi trở về không được hỗ trợ, đa số nạn nhân gặp phải vấn đề như thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức khỏe yếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tùy thân, gia đình không ổn định...

Thứ tư là, trình tự, thủ tục hành chính hỗ trợ nạn nhân hiện nay được quy định tại văn bản của Bộ, thủ tục phức tạp, không khả thi, cụ thể: theo quy định hỗ trợ khó khăn ban đầu, học văn hóa, học nghề do UBND cấp huyện quyết định, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân làm đơn gửi UBND cấp xã, trong 3 ngày làm việc cấp xã lập hồ sơ gửi Phòng LĐTBXH cấp huyện, trong 05 ngày làm việc Phòng LĐTBXH thẩm định trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định, trong 03 ngày làm việc UBND cấp huyện ra quyết định và chỉ trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo mức tối thiểu 1.000.000đ/người. Thủ tục phức tạp nên nhiều nạn nhân không muốn đề nghị hỗ trợ và chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí, do vậy, một số nạn nhân có nhu cầu học văn hóa, học nghề nhưng không được miễn giảm học phí nên không thể tham gia được.

Thứ năm là, các cơ sở cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội trong đó có hỗ trợ nạn nhân gặp nhiều khó khăn về việc huy động nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất và chăm sóc đối tượng, đào tạo nhân viên. Kinh phí xã hội hóa đầu tư cho công tác trợ giúp xã hội, cho hỗ trợ nạn nhân chưa đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng. Các dịch vụ cung cấp hỗ trợ nạn nhân chưa có quy định tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá cả để bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ và bảo đảm quyền của tổ chức, người cung cấp dịch vụ.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi Nghị định số 09/2013/NĐ-CP là cần thiết. Bên cạnh đó, ngày 12/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có những sửa đổi, bổ sung so với pháp luật hiện hành về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội (trong đó có Nghị định số 09/2013/NĐ-CP).

Do đó, việc sửa đổi lần này nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội sẽ rà soát, chuẩn hóa các quy định về hoạt động của cơ sở có chức năng hỗ trợ nạn nhân do các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội thành lập nhằm đảm bảo sự tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá và nghiên cứu bổ sung một số chế độ cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như xác lập dịch vụ cung cấp cho nạn nhân và kết nối giữa các cơ quan trong thực hiện hỗ trợ nạn nhân tốt hơn.

6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng. Việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều.
Top