Chuyển giới: Những vấn đề xã hội và pháp lý

04/06/2018 16:20

Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3%, Việt Nam ước tính có khoảng 290.000 người chuyển giới, còn sử dụng con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Chuyển giới: Những vấn đề xã hội và pháp lý”.

Mục đích của Hội thảo lần này nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin về những vấn đề xã hội và pháp lý mà người chuyển giới Việt Nam đang gặp phải, Hội thảo thảo luận những vấn đề về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi Giới tính và các biện pháp đảm bảo quyền cho người chuyển giới ở Việt Nam.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho hay, nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới (NCG) là từ 0,3% đến 0,5% dân số.

Nhiều người chuyển giới mong muốn Luật chuyển đổi giới tính" sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ người chuyển đổi giới tính có được cuộc sống như những người bình thường khác. Ảnh: Thùy Chi

Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3%, Việt Nam ước tính có khoảng 290.000 người chuyển giới, còn sử dụng con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới. Thực tế, không thể có con số chính xác về người chuyển giới hay người chuyển đổi giới tính trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Đáng nói hiện tại, người chuyển giới phải đi nước ngoài (tốn kém hơn, rủi ro hơn) để thực hiện chuyển đổi giới tính trong khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước có thể thực hiện với chi phí rẻ hơn từ 8-10 lần.

Chi phí một quy trình hoàn chỉnh cho việc chuyển đổi giới tính tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính và hỗ trợ tư vấn) dao động trong khoảng từ 30.000 USD cho việc chuyển đổi từ Nữ sang Nam, và khoảng 35.000 USD cho việc chuyển đổi từ Nam sang Nữ.

Những người chuyển giới đã phẫu thuật “chui” hoặc đi nước ngoài thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính về Việt Nam đang gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. 71,4% cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tuỳ thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ.

Hiện nay, cả nước có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, bao gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Trong thực tế, đa số người chuyển giới bị phân biệt, kỳ thị nên khó khăn trong học tập, lao động, việc làm. Một số người do khao khát có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện nhưng không có kiến thức hoặc không tìm được sự đồng cảm nên đã bị mắc bệnh “Phiền muộn giới”, thậm chí có những người quá bức bối, đau khổ đã tự tử để tìm sự giải thoát…

Trong những nghiên cứu về sức khỏe từ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), trong số 38 người chuyển giới nữ tại TPHCM được tiếp cận phỏng vấn về việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉ có 17/38 người đã từng có ít nhất một lần sử dụng dịch vụ y tế, là xét nghiệm HIV miễn phí, còn lại không biết các dịch vụ y tế khác dành riêng cho người chuyển giới ở đâu, và không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn.

Vì vậy, cùng với việc tăng cường truyền thông để xã hội hiểu về cộng đồng người chuyển giới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp mạnh hơn như giải pháp về pháp lý để cộng đồng người chuyển giới được thực sự thừa nhận trong xã hội, cũng như giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan.

Bà Marie Odile Emond - Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc một số khuyến nghị khi xây dựng chính sách như có các biện pháp bảo vệ, chế tài khi người chuyển giới bị bạo lực, kể cả bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và hãm hiếp. Đặc biệt, cần tham khảo ý kiến của cộng đồng và các tổ chức của người chuyển giới khi thực hiện các nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật và tạo điều kiện để họ tham gia góp ý.

Top