Chuyên gia tội phạm học phân tích vụ nữ sinh Ngân hàng bị sát hại

28/10/2020 18:02

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học, Cựu Điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) phân tích, hành vi của các đối tượng đồng thời xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, gồm quyền được sống (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe) và quyền sở hữu. Các đối tượng sẽ bị xử lý về 2 tội giết người, cướp tài sản.

 Chân dung 2 nghi phạm

Tối 27/10, lực lượng Công an đã bắt giữ nghi phạm thứ 2 trong vụ án là Nguyễn Văn Quân (SN 1983, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) khi đang lẩn trốn tại xã Hà Hồi (huyện Thường Tín). Trước đó, Công an cũng đã bắt giữ Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín).

Tại cơ quan điều tra, Trung khai nhận khoảng 18h ngày 23/10, đối tượng và Quân thực hiện trộm cắp 2 bộ cốp pha công trình trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín).

Hai đối tượng sau đó dùng xe máy mang đồ trộm cắp đi tiêu thụ. Khi di chuyển đến đoạn đường đê sông Nhuệ thuộc địa phận xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín), Trung nhìn thấy nữ sinh Trần Thuý H. (SN 2002, đang là sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng) đang đứng nghe điện thoại nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản.

Trung nói với Quân “Anh ơi chỗ kia có con bé nó đang đứng không biết làm gì, anh em mình ra đấy đẩy nó xuống mương rồi lấy xe”. Nghe đồng bọn nói, Quân trả lời: “Nếu cảm thấy làm được thì làm, không thì thôi”.

Sau đó, Quân đứng lại trông xe máy còn Trung đi bộ đến nơi nữ sinh H. đang đứng. Đối tượng đẩy nữ sinh rơi điện thoại, ngã xuống bờ sông Nhuệ. Thấy vậy, nữ sinh lên tiếng xin đối tượng “tha cho em” nhưng Trung vẫn nhảy xuống dìm nạn nhân xuống nước.

Khoảng 10 phút sau, khi thấy nữ sinh không cử động, Trung đẩy nạn nhân ra lòng sông sau đó lấy điện thoại và xe đạp điện của H. mang đi bán được 3,3 triệu đồng.

Đến 21h cùng ngày, Trung gọi cho Quân đến đón sau đó cả hai ra khu vực nghĩa trang Hà Hồi sử dụng ma túy. Tại đây Trung chia cho Quân số tiền 700.000 đồng.

Được biết, đối tượng Nguyễn Xuân Trung đã có vợ và 2 người con gái. Trung không có công ăn việc làm ổn định, thường mưu sinh bằng nghề bốc vác thuê, phụ vữa cho các công trình xây dựng. Trung là đối tượng nghiện ma túy đã nhiều năm nay và từng được đưa đi cai nghiện. Đối tượng được đánh giá là người hòa đồng với làng xóm nhưng thường có tính trộm cắp vặt để lấy tiền sử dụng ma túy.

Nguyễn Văn Quân cũng đã lập gia đình, có 2 con nhưng vợ chồng ly thân từ lâu. Quân cũng không có công ăn việc làm ổn định và thường làm bốc vác, xây dựng để mưu sinh, từng có tiền án, tiền sự liên quan đến việc sử dụng ma túy và trộm cắp

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, hành vi giết người man rợ, ác tính cao, thể hiện sự ích kỷ cao độ, coi thường tính mạng người khác. Hành vi bị thúc đẩy bởi động cơ thoả mãn nhu cầu vật chất, ở đây là nhu cầu cần có tiền mua ma tuý sử dụng. Với mục đích chiếm đoạt được tài sản, đồng thời bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ nếu để nạn nhân sống hành vi phạm tội sẽ bị tố giác, đối tượng đã quyết tâm tước đoạt sinh mạng nạn nhân một cách man rợ, bỏ ngoài tai lời khẩn cầu xin tha mạng của nữ sinh.

Về cơ chế hành vi phạm tội, các nghi can là người nghiện ma tuý, đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những tiêu cực, như sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển. Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ..), đã tác động trực tiếp đến người đã có sẵn trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, hình thành nên ý định phạm tội.

Trong vụ án trên, dưới góc độ phân tích tội phạm học, theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nạn nhân có vai trò trong cơ chế hành vi phạm tội, thể hiện ở khâu làm nảy sinh ý định phạm tội và giúp cho tội phạm được thực hiện thuận lợi.

Nếu nạn nhân có ý thức cảnh giác, không xuất hiện tại khu vực vắng vẻ khi trời tối, không để lộ ra tài sản, biết cách ứng phó (tri hô, kêu cứu, bỏ chạy, tự vệ)... có thể không xảy ra tội phạm hoặc giảm thiểu được hậu quả, tác hại.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, phòng ngừa tội phạm từ khía cạnh nạn nhân, cần nghiên cứu sâu vai trò của nạn nhân trong các vụ án, để từ đó rút ra những đặc điểm bị tội phạm lợi dụng, cảnh báo người dân có thể đề phòng những sơ hở, sự chủ quan, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin...

Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh tới việc vụ án tiếp tục đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa người nghiện ma tuý gây án tại cộng đồng.

Trước đây, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý hình sự. Những biện pháp quản lý người nghiện, xử lý vi phạm...đều có những bất cập, hạn chế. Người dân đang sống trong nỗi lo âu về việc người nghiện có thể sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho xã hội. Do đó, theo Trung tá Đào Trung Hiếu, cần phải có một cơ chế quản lý hiệu quả, mang tính răn đe, trừng trị, giáo dục.

Top