Cảnh báo dấu hiệu lạm dụng cây lanh

19/11/2020 16:13

Cây lanh là cây truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Người Mông có quan niệm "Hạt lanh có trước, con người có sau". Tuy nhiên hiện có dấu hiệu lạm dụng cây lanh để chiết xuất chất tạo cảm giác "phê".

Người phụ nữ Mông luôn gắn với nghề trồng lanh dệt vải. Ảnh: Internet

Lanh là cây trồng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Toàn tỉnh Hà Giang trung bình mỗi năm trồng khoảng trên 100 ha cây lanh ở các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Đồng Văn để dệt vải, may áo váy, làm đồ lưu niệm... gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tính đến tháng 7/2020, Công an tỉnh Hà Giang chưa phát hiện vụ việc trồng, mua bán, sử dụng lanh vào mục đích liên quan đến ma túy.

Song hành vi lợi dụng cây lanh để hút hít như loạt bài “Lần theo tour du lịch hút hít trên đỉnh Mã Pí Lèng” mà báo Dân Việt đăng tải từ ngày 5/8/2020 đến ngày 9/8/2020 vẫn khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc.

Theo phản ánh của báo Dân Việt, xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã tổ chức tour du lịch kiêm sử dụng ma túy trên đèo Mã Pì Lèng tại quán Dong Van Bar Coffee của đối tượng Vũ Văn Khánh, quê ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, hiện trú tại thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang làm chủ.

Tour du lịch này chủ yếu phục vụ khách từ dưới xuôi lên và một số thanh thiếu nên người địa phương. Tại quán của mình, Khánh tổ chức cho khách hàng sử dụng các loại ma túy như: cần sa, kush, cỏ lanh tím, lanh, rượu ngâm, bơ nấu từ cần sa, lanh, đồng thời bán bơ chế biến từ cần sa, lanh Mèo trên mạng xã hội.

Sau khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Hà Giang đã vào cuộc điều tra. Đối tượng Khánh khai nhận đã sử dụng lá, hoa, quả cây lanh để ngâm rượu; phơi khô lá lanh, cuốn thành điếu thuốc lá; sử dụng lá, hoa, quả cây Lanh phơi khô xay nhuyễn để nấu thành chất đặc dạng bơ màu vàng nhạt...

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, lanh là loại cây có chứa chất ma túy bởi hoạt chất THC trong cây lanh có tác dụng gây ức chế thần kinh và gây ảo giác. Tuy nhiên hàm lượng chất THC của lanh dưới 0,3% nên hiện tại cây lanh chưa đưa vào danh mục quản lý theo Nghị định 73 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Nhấn mạnh việc trồng cây lanh có vai trò không nhỏ trong đời sống thực tế và đời sống tinh thần của bà con dân tộc vùng cao, Đại tá Vũ Văn Hậu cho rằng, vấn đề mấu chốt là phải làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng việc sử dụng các sản phẩm từ cây lanh với mục đích khác, trái pháp luật, gây hoang mang dư luận, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc.

"Tóm lại chúng ta không cấm đồng bào dân tộc phát triển cây lanh, nhưng phải quản lý và ngăn chặn không để xảy ra những hoạt động lợi dụng, vi phạm từ cây lanh”, Đại tá Vũ Văn Hậu nói.

Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đề nghị Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục nắm chắc tình hình, làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, tránh để dư luận xấu, ảnh hướng đến phong tục tập quán, phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của địa phương và hoạt động sản xuất bình thường của người dân.

Đồng thời đề nghị Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Mèo Vạc tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang có báo cáo nêu rõ quan điểm của tỉnh về các biện pháp nhằm tiếp tục định hướng việc phát triển, sản xuất cây lanh theo đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phòng chống tệ nạn, tội phạm ma túy nảy sinh từ việc gieo trồng, sử dụng cây lanh để báo cáo Bộ Công an, các bộ liên quan và Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Trước mắt, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp các ban ngành; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân việc gieo trồng, sản xuất cây lanh theo đúng mục đích phục vụ đời sống dân sinh, văn hóa, truyền thống; yêu cầu ký cam kết không sử dụng, lợi dụng việc sử dụng cây lanh và các sản phẩm từ cây lanh để quảng cáo, lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trước đó, từ ngày 5/8 đến ngày 9/8/2020, Dân Việt đã có loạt bài điều tra “Lần theo “tour Du lịch hút hít” trên đỉnh Mã Pí Lèng”, thông tin về một nhóm đối tượng thường xuyên lôi kéo và tổ chức các hoạt động “tour du lịch” có sử dụng cần sa và một số chất kích thích một cách ngang nhiên từ Hà Nội đến Hà Giang và phản ánh các hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Ngày 14/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công an, trong đó truyền chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Công an chỉ đạo xem xét và xử lý đúng quy định của pháp luật.

Top