Cần kiện toàn mô hình tổ chức phòng chống lao tại 15 tỉnh

07/10/2019 12:38

Hiện nay, 48 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh phổi, tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa về lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay được xác định là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội. Mặc dù mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh hiện nay phần lớn do Bệnh viện chuyên khoa Lao/Bệnh phổi chịu trách nhiệm (đã có 48 bệnh viện chuyên khoa Lao/Bệnh phổi), tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có Bệnh viện chuyên khoa đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (TTKSBT).

Cụ thể, 15 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) chưa có bệnh viện chuyên khoa lao hiện nay có 3 tỉnh có bệnh viện chuyên khoa lao chưa đưa vào sử dụng, 8 tỉnh đã thành lập TTKSBT, 1 tỉnh có trạm chống lao và 3 tỉnh chưa có kế hoạch thành lập bệnh viện chuyên khoa lao. Về 8 tỉnh đã thành lập TTKSBT, những trung tâm này không đáp ứng được vai trò của đơn vị đầu mối tuyến tỉnh trong Chương trình chống lao quốc gia, đặc biệt là bảo đảm điều trị lao đa kháng thuốc; không có đủ nhân lực cho quản lý và triển khai công tác chống lao trên toàn tỉnh, thành phố.
 
Do đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đã đưa ra một số đề xuất, trong đó đối với các tỉnh đã xây dựng bệnh viện lao, bệnh phổi thì tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho xây dựng bệnh viện, đồng thời, sớm hoàn tất công trình và đưa vào sử dụng bệnh viện lao, bệnh phổi.
 
Còn đối với những tỉnh thành lập trạm chống lao, trung tâm chuyên khoa lao và bệnh phổi có giường bệnh thì nên sáp nhập khoa lao hiện tại với khoa lao của bệnh viện đa khoa tỉnh.
 
Riêng đối với các tỉnh sáp nhập trong TTKSBT cần thành lập khoa lao riêng hoặc khoa lao - HIV có chức năng quản lý, triển khai, giám sát hoạt động chương trình chống lao trong toàn tỉnh; phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh để bảo đảm công tác điều trị bệnh lao tại tuyến tỉnh, bao gồm lao đa kháng thuốc.

Top