Bước đột phá trong điều trị cho bệnh nhân mắc vi khuẩn lao đa kháng, siêu kháng

15/04/2021 18:55

(Chinhphu.vn) - PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, Việt Nam hiện đang thí điểm phác đồ điều trị lao BPaL với 567 bệnh nhân trong thời gian 3 năm tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ. Đây chính là bước đột phá trong điều trị cho bệnh nhân mắc vi khuẩn lao đa kháng, siêu kháng.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, Việt Nam phát hiện có 4.800 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, siêu kháng. Tuy nhiên, ngành Y tế đã điều trị được cho gần 4 nghìn bệnh nhân. PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao đa kháng, siêu kháng. Có thể người mới phát hiện lao, khi uống thuốc thấy đỡ nhanh trong hai tuần hết triệu chứng nên nghĩ bản thân đã khỏi bệnh và bỏ thuốc. Bên cạnh đó, vì lượng thuốc nhiều, có người bỏ đi một vài viên dẫn tới không đủ liều điều trị. Nguyên nhân khác là để hấp thu tốt, phải uống thuốc khi dạ dày rỗng nhưng nhiều người lại uống vào lúc no.

Đặc biệt, nhiều người không tuân thủ theo đúng hướng dẫn, dẫn tới vi khuẩn sẽ kháng thuốc. Khi chủng lao kháng thuốc lây sang người khác thì người bị lây cũng phải điều trị phác đồ đa kháng và nếu điều trị bỏ dở, virus sẽ trở thành siêu kháng với các loại thuốc. Do đó, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cảnh báo, ngay từ ban đầu, người bệnh phải điều trị thật đúng về liều điều trị mới có thể chữa khỏi. Mặc dù người bệnh hết triệu chứng cũng phải tuân theo phác đồ với ít nhất là 6 tháng.

Trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mới được phát hiện và điều trị lần đầu có tỷ lệ kháng thuốc là 4% và hiện giảm còn 3%. Số bệnh nhân lao đa kháng thuốc từng điều trị trước đây là 24%, giờ chỉ còn 17%. “Có được kết quả tích này là do Việt Nam triển khai điều trị lao đa kháng thuốc từ năm 2009, tăng dần bao phủ điều trị các trường hợp mới được phát hiện. Trong thời gian 2 năm gần đây, chúng ta đã đạt hiệu quả điều trị lên tới 85% với thuốc phác đồ ngắn hạn, thuốc mới. Mặt khác chúng ta có can thiệp tích cực, quản lý tốt, với sự hỗ trợ của tình nguyện viên, người giám sát trực tiếp.

Là một trong những nước tiên phong áp dụng phác đồ mới BPaL được WHO khuyến cáo, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, ngành Y tế sẽ triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không cần đối chứng (giai đoạn 3B), thu nhận hơn 500 bệnh nhân điều trị. Phác đồ mới này sẽ ba loại thuốc mới, trong đó có hai thuốc hoàn toàn mới.

Nếu tiến triển thuận lợi, bệnh nhân chỉ cần sáu tháng khỏi bệnh. Đây là cơ hội lớn cho người không may mắc phải vi khuẩn lao siêu kháng, đặc biệt đối với trường hợp đã điều trị lao đã thất bại từ 1-2 lần, thậm chí từng thất bại điều trị tới 4-5 lần.

Bước đầu, Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai điều trị thí điểm cho 100 bệnh nhân, sau đó mở rộng tiếp. Nếu thấy lợi ích của phác đồ mới, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng càng sớm càng tốt chứ không thử nghiệm lâu dài, ảnh hưởng cơ hội sống của hàng nghìn người. “Sau khi thí điểm, nếu mô hình này đạt kết quả tốt thì sẽ được nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác theo cách người bệnh sẽ đến tại nơi điều trị ban đầu sau đó chuyển cho bệnh viện tỉnh quản lý hoặc tăng cường thêm năng lực cho cơ sở điều trị”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho hay.

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều trị lao, nhưng Việt Nam không tránh được những khó khăn thách thức khi triển khai thí điểm phác đồ điều trị này. Cụ thể là các loại thuốc cho phác đồ điều trị BPaL đều mới, tuy nhiên ngành Y tế đã giải quyết được khó khăn này, đến nay đã bảo đảm nguồn thuốc về Việt Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra cho người bệnh là phải tuân thủ chặt chẽ điều trị, các cơ sở y tế điều trị phải giám sát bệnh nhân tuân thủ 100% liều lượng thuốc.

Một khó khăn nữa là những tác dụng phụ không mong muốn.  PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, nghiên cứu chỉ ra, có 10% số bệnh nhân điều trị có tác dụng phụ trung bình và 10% phản ứng nặng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã từng có kinh nghiệm trong công tác điều trị nên đây không phải là vấn đề lớn.

“Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ áp dụng điều trị lao không phải kháng thuốc với phác đồ 4 tháng. Thử nghiệm lâm sàng này đang được tiến hành tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới. Chúng ta chỉ chờ đợi khuyến cáo của WHO để triển khai”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Từ đầu năm 2021, Việt Nam bước một bước tiến nữa, dùng phác đồ thuốc mới BPaL điều trị ngắn hạn trong 6-9 tháng với người lao đa kháng, siêu kháng thuốc. Những trường hợp tiền siêu kháng, áp dụng phác đồ này là bước đột phá rất lớn. Theo WHO, kết quả điều trị phác đồ mới này hiệu quả lên tới 90% với lao siêu kháng do đó, thực hiện thí điểm mô hình này, Việt Nam đặt mục tiêu ít nhất hơn 85% bệnh nhân khỏi bệnh.
Top