Bình Dương: Đa dạng các giải pháp can thiệp giảm hại phòng, chống HIV/AIDS

13/11/2019 17:12

Xu hướng lây nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng, với làn sóng di dân ngày càng nhiều, văn hóa mở, dịch HIV/AIDS ở Bình Dương với dân số đích chính là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Do đó, thời gian tới địa phương cần tập trung nhiều đa dạng các giải pháp can thiệp hơn nữa để tăng cường tiếp cận, sàng lọc cũng như kết nối điều trị sớm cho MSM.

 Một buổi sinh hoạt truyền thông về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep) do tổ chức Kết Nối Trẻ thực hiện. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy

Số ca nhiễm HIV trong nhóm MSM liên tục tăng

Qua điều tra lập bản đồ điểm nóng, tại Bình Dương có khoảng 3.000 nam có quan hệ tình dục đồng giới, tăng gấp 6 lần so năm 2013 và còn tiếp tục tăng trong những năm tới do Bình Dương là địa bàn trọng điểm sát TPHCM với cộng đồng người đồng tính khoảng  hơn 300.000 người

Tại Bình Dương, tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay phát hiện được 6.356  người nhiễm HIV, trong đó người Bình Dương là 3.467 người (chiếm 54,5%), trong đó nam giới chiếm 69,1%. Xét về đường lây thì 55% lây nhiễm qua quan hệ tình dục (QHTD). Từ năm 2015 đến nay, lây nhiễm HIV qua QHTD không an toàn ngày càng tăng. Cả giai đoạn từ năm 1993-2015 (22 năm), lây nhiễm HIV qua QHTD chiếm 51%, trong khi 5 năm trở lại đây lây nhiễm HIV qua QHTD không an toàn đã chiếm 49%.

Trước năm 2015, số người nhiễm HIV là MSM chỉ có 16 trường hợp, nhưng đến năm 2017 tăng vọt 88 ca, tăng 2,7 lần so với năm 2016. Năm 2018 tăng 1,3 lần so với năm 2017, nhưng chỉ 8 tháng đầu năm 2019 đã tăng 1,7 lần so với năm 2018 với 193/390 ca nhiễm HIV mới trong năm 2019 là MSM , chiếm 49,4%, tương đương cứ 4 ca phát hiện nhiễm HIV mới trong năm 2019 thì có gần 2 ca là MSM. Như vậy, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng cao.

So với báo cáo Cục Phòng chống HIV/AIDS thì tỷ lệ này của Bình Dương cao hơn gần 10%. Nguyên nhân có thể do Bình Dương tiếp giáp với TPHCM là nơi tập trung số lượng người đồng tính cao nhất cả nước (khoảng 150.000 người, trong khi cả nước có 300.000 MSM), đồng thời Bình Dương cũng là điểm thu hút công nhân đến từ mọi miền, với ½ dân số tại Bình Dương là dân nhập cư làm việc các khu công nghiệp/cụm xí nghiệp.

Năm 2013, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có tiến hành nghiên cứu xác định tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM. Thời điểm đó, điều tra xác định Bình Dương có khoảng 500 MSM với tỷ lệ nhiễm HIV là 1,3% . Năm 2017, năm đầu tiên Bình Dương đưa nhóm MSM vào làm giám sát trọng điểm thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này tăng vọt lên 14,5%.

Dự báo trong những năm sắp tới, số người nhiễm HIV là MSM có gốc ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong làn sóng di cư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ (chiếm 48%, Hình 2). Với văn hóa cởi mở và dễ hòa nhập, một lượng không nhỏ nam đồng tính sẽ chọn Bình Dương làm nơi dừng chân sinh sống, đây là một bài toán khó cho việc kiểm soát, nâng cao nhận thực của nhóm lao động di cư này về kiến thức HIV.

Về địa bàn sinh sống, Thủ Dầu Một, Thuận An và Bến Cát là nơi có số MSM nhiễm HIV cao nhất, tiếp đến là Thủ Dầu Một. Thực tế đây là những địa bàn có các nhóm đồng đẳng MSM hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi do có sự tài trợ của dự án VAAC-US.CDC, Quỹ Toàn cầu phòng,chống HIV/AIDS thông qua VUSTA.

Về hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, thống kê cho thấy 458/465 ca lây nhiễm qua QHTD đồng giới chiếm 98%, còn lại tỷ lệ nhỏ vừa quan hệ với nhiều người, vừa quan hệ với mại dâm, có sử dụng ma túy tổng hợp hoặc bị phơi nhiễm do tiếp xúc với HIV. Theo các nghiên cứu khoa học của CDC Hoa Kỳ, QHTD đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 20 lần so với QHTH thông thường

Còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và hỗ trợ nhóm đích

Bình Dương hiện có 4 tổ chức cộng đồng là Kết Nối Trẻ, Trăng Khuyết, Hương Lá, Hy Vọng và một số đồng đẳng viên của Trung tâm HIV/AIDS Bình Dương đang thực hiện chương trình tiếp cận và hỗ trợ sức khỏe, sàng lọc HIV,STIs,.. Tuy nhiên với đội ngũ nhân lực còn mỏng chưa đáp ứng được số lượng lớn nhóm đích tiềm năng bên ngoài cộng đồng, khi số lượng MSM-TG ước tính tới thời điểm 2019 vào khoảng hơn 3.000 người, trong khi đội ngũ tiếp cận cộng đồng đang gắng sức chăm sóc cho chỉ hơn 1.000 người.

Lý giải về tình hình gia tăng nhiễm “H” trong giới MSM, anh Đào Minh Tín, nhân viên tiếp cận cộng đồng tổ chức Kết Nối Trẻ cho biết có nhiều lý do. Theo đó, cộng đồng MSM có nhiều bạn tình. Một số MSM có quan niệm khi đã “yêu”, đã “thích” thì tin tưởng nhau, ít khi dùng biện pháp bảo vệ. Thậm chí có những MSM giấu thân phận, vừa có quan hệ với một MSM, vừa có vợ nên cũng dễ “mang H” về cho vợ.

Theo bác sĩ Vương Thế Linh - Phó Trưởng khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương), ghi nhận từ báo cáo, cho thấy trong số lượng ca nhiễm HIV ở MSM, thì có đến 85% là đối tượng công nhân và học sinh/sinh viên. Khi còn ở quê, các bạn e ngại xu hướng tình dục, nên khi lên môi trường đô thị cởi mở, nên thoải mái tìm kiếm bạn tình, từ đó, nảy sinh các mối quan hệ tình cảm, quan hệ tình dục. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm “H” rất cao. Chưa kể, một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục (không sử dụng biện pháp bảo vệ

Bên cạnh đó, sự kỳ thị, thậm chí cả kỳ thị kép (kì thị và tự kì thị) đang đẩy nhóm MSM xa rời với việc tiếp cận với y tế. Sự kỳ thị làm cho các MSM thường lẩn tránh gây khó khăn cho việc điều tra và thống kê. Chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử này dẫn đến việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Điều này làm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV trong nhóm MSM càng gia tăng.

Cần đa dạng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ

Xu hướng lây nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới ngày càng tăng, với làn sóng di dân ngày càng nhiều, văn hóa mở, dịch HIV/AIDS ở Bình Dương với dân số đích chính là MSM. Do đó, thời gian tới địa phương cần tập trung nhiều đa dạng các giải pháp can thiệp hơn nữa để tăng cường tiếp cận, sàng lọc cũng như kết nối điều trị sớm cho MSM.

Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường việc chăm sóc bệnh nhân và giảm kì thị và phân biệt đối xử tại cơ sở y tế cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV. Việc này rất có ý nghĩa trong việc rộng mở cho nhóm MSM mạnh dạn đi tới các dịch vụ y tế sẵn có trên địa bàn mà không phải đi TPHCM để thực hiện thăm khám, điều trị HIV.

Nhiều hoạt động và mô hình can thiệp cho nhóm này từ truyền thông, tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm dựa vào cộng đồng, cấp phát bao cao su và chất bôi trơn và thí điểm điều trị trước phơi nhiễm (PREP) cho nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.. Ngoài ra truyền thông nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin, các bằng chứng khoa học về MSM cho gia đình người MSM, cộng đồng , nhằm giúp họ hiểu và có cách nhìn đúng về MSM; động viên MSM phát huy thế mạnh của họ, khuyến khích họ tham gia các hoạt động trong xã hội để cải thiện mối quan hệ hai chiều giữa MSM và cộng đồng.

Thêm nữa, cần tăng cường các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như: Bảo đảm sự sẵn có và đầy đủ BCS, chất bôi trơn tại các điểm MSM hay tụ tập, cơ sở y tế, nhà thuốc, .... thông qua cả 2 kênh: miễn phí và tiếp thị xã hội. Khuyến khích MSM sử dụng các dịch vụ VCT, STI, và HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với MSM về tình dục an toàn để dự phòng lây nhiễm HIV/STIS, nâng cao kỹ năng thương lượng dùng BCS trong QHTD và các kỹ năng sống khác. Đồng thời, Tăng cường sự tham gia và đóng góp ý kiến của các MSM trong xây dựng kế hoạch và triển khai các can thiệp để đảm bảo tính phù hợp và chấp nhận của MSM

Những giải pháp trên cùng với việc đa dạng các kênh truyền thông, lồng ghép truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động chung của ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và vận động người dân tham gia nhằm nâng cao nhận thức, tăng hiệu quả của truyền thông, khống chế sự lây lan HIV trong nhóm MSM và từ nhóm này ra cộng đồng cũng chính là giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
Top