Bảo vệ trẻ em giữa “muôn trùng vây”

21/08/2019 09:40

Chưa bao giờ những thông tin nhói lòng về xâm hại trẻ em lại dồn dập xảy ra như thời gian vừa qua. Không chỉ xâm hại tình dục, mà nhiều vụ lợi dụng, bóc lột, hành hạ trẻ em, xúi giục trẻ em phạm tội cũng xuất hiện rất nhiều trên báo chí, trang mạng xã hội.

Một buổi hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho trẻ em do Quận đoàn Thủ Đức tổ chức. Ảnh: T.L

Phải chăng những biện pháp mà chính quyền, các đoàn thể thực thi thời gian qua chưa đủ để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ từ nhiều phía?

Từ chối giám định

Nhiều người hẳn chưa quên sự việc hồi tháng 4, một người mẹ ở quận Tân Bình, TPHCM, một mình ôm đứa con gái 5 tuổi, trắng đêm gõ cửa hết nơi này đến nơi khác vẫn không thể giám định cho con bị người hàng xóm xâm hại.

Từng đọc báo về những trường hợp tương tự, chị không dám tắm cho con mà ôm con ra Công an phường 14 trình báo. Công an phường chỉ đến bệnh viện, bệnh viện này hướng dẫn sang bệnh viện khác, rồi chỉ về công an quận, từ quận lại chỉ quay về công an phường.

Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Tố Trâm phải thốt lên: “Người dân cảm thấy không được bảo vệ. Công tác tuyên truyền dù hình thức nào, nhưng người dân có cảm giác không được bảo vệ và kẻ xâm hại không bị xử nghiêm thì mọi việc đổ sông đổ bể”.

Trung tá Võ Chí Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 12, cho biết trong hai năm 2017-2018, trên địa bàn quận có 10 vụ xâm hại trẻ em bị xử lý. Có trường hợp vì thủ tục giám định quá rườm rà, phải đi lại nhiều lần nên gia đình bị hại từ chối giám định.

Nhưng bên cạnh đó cũng có trường hợp trình báo xong, gia đình nhận tiền của đối tượng rồi từ chối giám định, bất hợp tác, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Viện trưởng VKSND quận 12, kể với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi xâm hại rất khó khăn. Quá trình đấu tranh nhiều khi phải dựa vào sự thống nhất trong lời khai giữa bị can và bị hại.

Có vụ, cả bị can và bị hại đều khai có hành vi dùng vũ lực, giao cấu trái ý muốn nạn nhân, nên cơ quan điều tra và VKS thống nhất truy tố về tội Hiếp dâm, với khung hình phạt từ 7-15 năm tù. Nhưng sau đó, gia đình bị can được luật sư tư vấn đã liên hệ với gia đình bị hại, thỏa thuận bồi thường, tác động để bị hại thay đổi lời khai, khẳng định có sự đồng thuận cho quan hệ tình dục.

Tội danh lúc này phải đổi sang Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, với khung hình phạt chỉ từ 1-5 năm tù. Theo bà Tuyết Minh, hiện nay cũng chưa có quy định về hành vi “quan hệ tình dục khác”, định nghĩa hành vi dâm ô nên cũng gây khó khăn trong quá trình điều tra truy tố.

Có thể hạn chế quyền cha mẹ?

Tại một cuộc giám sát mới đây của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tại quận 1, các ý kiến đã tranh luận sôi nổi về việc có thể hạn chế quyền cha mẹ trong những trường hợp cố tình lợi dụng, ép buộc con mình phải lang thang ăn xin, hoặc bạo hành con hay không.

Theo UBND quận 1, hiện nay có tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” khi xử lý các trường hợp trẻ em lang thang ăn xin. Các em được đưa về UBND phường, nhưng khi có người bảo lãnh thì theo quy định phải giải quyết cho về, nhưng “về buổi sáng thì tới chiều lại thấy xuất hiện ở ngay chỗ cũ”.

Thậm chí có tình trạng cha mẹ sử dụng ma túy, bị nhiễm HIV, cũng dùng con cái làm “lá chắn” để không bị xử lý. Từ năm 2018 tới nay, tại quận 1 có 4 trường hợp lợi dụng quy định nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không bị đưa đi cai nghiện, đã liên tục sinh con để trốn tránh.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết còn kể trường hợp ở huyện Hóc Môn có một phụ nữ từ năm 2010 đến nay đã sinh thêm 4 người con để không bị bắt thi hành án.

Đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM gợi ý, có thể áp dụng Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình, hạn chế quyền cha mẹ trong những trường hợp này. Tuy nhiên, đại diện Phòng Tư pháp quận 1 cho biết rất khó để áp dụng.

Bởi Điều 85 quy định, cha mẹ bị hạn chế quyền với con chưa thành niên trong trường hợp bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng, như trường hợp xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật có thể hiểu là dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy… nhưng cũng cần được định nghĩa và nêu rõ mức độ tới đâu thì có thể bị hạn chế quyền. Bởi quy định không rõ mà cứ tùy tiện áp dụng sẽ có tác dụng ngược.

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, Phó Trưởng công an quận 1, cho biết từ 2018 tới nay trên địa bàn quận 1 xảy ra 3 vụ cướp tài sản do trẻ vị thành niên thực hiện, tất cả đều là người từ địa phương khác đến.

Quá trình khai thác nhân thân cho thấy, các em đều xuất phát từ gia đình đổ vỡ hôn nhân, cha mẹ có tiền án tiền sự, không có công ăn việc làm ổn định, các em không được đến trường. Bên cạnh đó, có những em sinh ra trong gia đình có điều kiện, nhưng cha mẹ ít quan tâm giáo dục con.

“Đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là trách nhiệm của công an, chính quyền mà phải ngay từ trong gia đình, đồng thời quan tâm hơn đến an sinh xã hội”, Thượng tá Thành nói.

Top