Bạo lực học đường và những vấn đề nan giải

01/04/2015 17:22

Làm tốt công tác phòng ngừa chính là giải pháp tốt nhất để phòng chống bạo lực học đường cũng như các hình thức bạo lực khác.

Đây là đánh giá của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị Thành niên (CSAGA).

 Bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây- Ảnh minh họa

Trước thực trạng ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp, với mức độ trầm trọng (như vụ việc gần đây nhất là một học sinh nữ lớp 7 ở Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh bị học sinh trong lớp đánh hội đồng; hay trường hợp một học sinh nữ khác ở trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ …), bà Vân Anh cho biết, thực tế vấn đề này đã xảy ra từ trước và không được mọi người quan tâm nhiều. Thông qua truyền thông, người dân nắm bắt thông tin này nhanh nhạy, kịp thời hơn.

Bàn về vấn đề này, theo bà Lê thị Phương Thúy, làm việc tai Trung tâm phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nếu nhìn nhận từ góc độ xã hội thì các vụ bạo lực học đường đang xảy ra ngày càng nhiều. Khi mà, từ lâu nay, vấn đề giáo dục trong gia đình cũng như việc đề cao các mối quan hệ về kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử của học sinh trong nhà trường đã không được quan tâm hay xem trọng đúng mức. Cũng chính vì không được đề cao nên học sinh hành xử với nhau theo cách riêng mà các em nghĩ. Vì thế, bạo lực học đường không phải thuộc về lỗi của học sinh, mà rõ ràng vấn đề thuộc lỗi trách nhiệm của nhà trường, gia đình và ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Thờ ơ với bạo lực

Theo góc nhìn của các chuyên gia xã hội, khi một sự việc xảy ra, dường như mọi người rất thờ ơ với vấn đề bạo lực. Họ không coi đấy là vấn đề đáng quan tâm và coi bạo lực học đường là một câu chuyện quá bình thường. Điều đó có nghĩa, trong xã hội hiện tại, mọi người chấp nhận vấn đề đó và không phản ứng. Họ có thể nhìn thấy một người bị đánh ngay trước mặt mình nhưng vẫn không coi đó là việc của mình. Bên cạnh đó, người ta không quan tâm tới các biểu hiện trong và sau bạo lực. Nghĩa là vấn đề con người không được quan tâm ở góc độ là con người. Xã hội hiện đại đang quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề như điểm học của trẻ, tới tiền bạc của gia đình, đến vấn đề hưởng thụ trong xã hội. Vì vậy, khi có rất nhiều vụ việc bạo lực đã xảy ra chúng ta mới đặt câu hỏi: tại sao bây giờ mọi người mới biết hoặc tại sao nạn nhân lại chịu nhịn lâu như thế? hoặc tại sao lại thờ ơ, lại chấp nhận như thế?

Lý giải cho những câu hỏi này chính là tiếng nói của cộng đồng đã không mạnh mẽ lên án, và ngay chính người trong cuộc cũng không biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình như thế nào. Hãy đặt giả thiết, khi một thiếu niên bị bạo lực, nếu như em được biết khi nói ra em sẽ được  bảo vệ, được giúp đỡ thì câu chuyện bị phát hiện muộn và để lâu tới hơn 5 tháng như trường hợp học sinh ở Phú Thọ sẽ không bao giờ xảy ra.

Giải pháp cho bạo lực học đường

Theo bà Vân Anh, đó là vấn đề của rất nhiều phía. Trong đó trách nhiệm của cha mẹ phải là đầu tiên. Cha mẹ phải là người biết rõ con mình đã và đang như thế nào. Thứ hai, gia đình phải quản lý được học sinh từ tâm tư tình cảm đến những mối quan hệ ứng xử của các cháu trong lớp… Sau đó là bản thân các em học sinh. Các em phải được giáo dục, được hiểu về quyền và lợi ích cũng như trách nhiệm với chính bản thân mình. Và từ đó, học sinh mới có thể chia sẻ với gia đình, thầy cô... về tình trạng cá nhân, làm giảm thiểu vấn nạn bạo lực trong trường học.

Cùng với đó, cộng đồng phải chung tay lên án vấn đề này. Khi thấy trường hợp bị bạo hành, mọi người cần có phản ứng để bảo vệ người bị hại thay cho việc khoanh tay đứng nhìn… Tất cả chúng ta, từ gia đình, nhà trường, học sinh tới toàn xã hội... cần và phải luôn nói không với bạo lực.

Để có thể giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường, các Bộ, ban, ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải vào cuộc, cũng như truyền thông… để giúp học sinh- người có nguy cơ trở thành nạn nhân cách phòng tránh bạo lực học đường một cách tốt nhât. Và bằng cách nào đó, chúng ta cải huấn các em có thói quen bắt nạt các bạn khác hiểu được rằng, điều đó không chỉ gây tổn thương cho người khác mà còn làm ảnh hưởng tới nhân cách của chính các em.

Ở một giải pháp khác, việc lồng ghép chương trình dạy về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cũng như cách phòng, chống bạo lực trong nhà trường phổ thông là việc rất cần thiết. Nó chính là công tác phòng ngừa, khi được thực hiện tốt thì mức độ xảy ra sẽ thấp và ít nặng nề.

Top