Ý thức của người dân về xâm hại tình dục đã khác xưa

25/03/2019 10:08

Việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phạt 200.000 đồng đối với Đ.M.H (37 tuổi) do ép cô gái 20 tuổi để ôm hôn, sàm sỡ trong thang máy khiến cộng đồng phẫn nộ cho thấy, ý thức của người dân về xâm hại tình dục đã khác xưa.

Các khách mời bàn về vấn đề quấy rối tình dục. Ảnh Nhật Thy

Trong buổi talkshow: "Nụ hôn 200k: Công lý hay sự nhạo báng" diễn ra chiều 23/3 do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, việc chỉ phạt 200.000 đồng với đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy theo Nghị định 167 của Chính phủ đã dấy lên sự bức xúc của cộng đồng. Họ bức xúc vì hình phạt, mức độ xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

"Tôi gọi hành vi của đối tượng Đ.M.H sàm sỡ nữ sinh trong thang máy là bản chất hành vi tấn công tình dục, không phải sàm sỡ, hay ép hôn như dư luận phản ánh. Phẩm giá, danh dự của một cô gái chỉ đáng giá 200 nghìn đồng thôi sao. Việc xử phạt quá nhẹ khiến danh dự, nhân phẩm của của người phụ nữ không được coi trọng đúng mức", TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Vì sao cộng đồng lại cực kỳ xôn xao, phẫn nộ về câu chuyện 200 nghìn này, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong xã hội mỗi một cá nhân đều bị điều chỉnh bởi những quy định, khi quy định của nhà nước yếu, không phù hợp với thực tiễn thì còn có quy định khác lớn hơn, đó là quy định của đạo đức, của nhân cách. Xã hội nào cũng hình thành trong nhận thức con người một chuẩn đạo đức nhất định. Phẫn nộ xôn xao là những ứng xử dựa trên quy định đạo đức. Đấy cũng là 1 bản án dành cho con người. Một người chịu bản án của nhà nước hoặc không chịu thì không thoát nổi bản án của xã hội.  Đạo đức con người không cho phép đối tượng có hành vi tấn công tình dục phụ nữ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng.

Còn nhà văn Đỗ Bích Thủy - Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ, phía sau sự phẫn nộ của cộng đồng biểu lộ sự bất an. "Tôi là phụ nữ, tôi cũng có con gái nên việc phạt 200.000 đồng với đối tượng H, tôi thấy rất lo lắng. Xử phạt như vậy sẽ khiến những kẻ đã và đang có ý đồ sàm sỡ, ép hôn phụ nữ nhờn luật và những hành động tương tự có thể lặp lại ở bất kỳ tình huống nào".

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA thì nhìn thấy tín hiệu tích cực từ vụ việc. Trước đây, những câu chuyện như này không phải là không xảy ra, nhưng người ta thường giữ im lặng. Khi xã hội phát triển, người dân đã ý thức hơn về vấn đề xâm hại tình dục: Người bị hại lên tiếng, cộng đồng bảo vệ nạn nhân. Chính vì thế, những quy định thể hiện sự lạc hậu, vô lý cần được điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật đầy đủ, hiệu quả về quấy rối tình dục. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh như: Không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quy định cấm quấy rối tình dục chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động, trong khi hành vi này diễn ra ở mọi nơi, như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác. Bộ Luật Hình sự cũng không quy định xử lý các hành vi quấy rối tình dục xâm phạm nhân phẩm của cá nhân.

Top