Xử lý nghiêm hành vi mua bán cần sa núp bóng dưới các loại thực phẩm

20/11/2019 11:30

Về việc gần đây các quảng cáo bán sôcôla, kẹo mút cần sa đang xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, với giá mỗi que chỉ từ 27-35 nghìn đồng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm việc mua bán trái phép thực phẩm trộn cần sa.

Loại kẹo quảng cáo có chứa cần sa đang được rao bán nhiều trên mạng xã hội

Trước đó, vào năm 2018, Bộ Công an đã từng trưng cầu giám định các loại "kẹo mút cần sa" được rao bán trên mạng và kết quả không tìm thấy chất ma túy. Theo đó, một số loại bánh, kẹo có xuất xứ từ nước ngoài được đưa vào Việt Nam dưới dạng “hàng xách tay”, thành phần các loại bánh kẹo này có chứa tinh dầu cần sa (Cannabis essensal oil), bột hạt cần sa và được sản xuất, mua bán, sử dụng ở nước ngoài. Do hàm lượng chất ma túy (THC) có trong tinh dầu, hạt cần sa rất thấp (hầu như không có), nên khi giám định không phát hiện được chất ma túy.

Tuy nhiên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng đề xuất các cơ quan hữu quan (Bộ Công thương, Bộ Y tế…) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là dược phẩm, thực phẩm (trong đó có các loại bánh kẹo, nước ngọt) nhất là đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam dưới dạng hàng xách tay có chứa chất ma túy để ngăn chặn, phòng ngừa; Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa có thành phần chất ma túy.

Đồng thời đưa ra cảnh báo, theo quy định của pháp luật, cần sa luôn nằm trong nhóm một, tức là loại ma túy nguy hiểm nhất, không được chấp nhận trong y khoa và có khả năng gây nghiện cao. Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng cần sa là hành vi phạm pháp, nếu bị lực lượng công an bắt quả tang sẽ phải đối mặt với bản án như tội buôn bán ma túy.

Theo đó, người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1-10 năm. Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý, dù không tìm thấy chất ma tuý trong các loại kẹo bánh trên, nhưng việc bán các loại kẹo bánh có vỏ in hình lá cần sa và quảng cáo chúng có chứa chất cần sa, ở một góc độ nào đó, dù vô tình hay cố ý thì cũng là hình thức tuyên truyền cho hình ảnh của chất cấm, có nguy cơ tiềm ẩn lớn, có thể tạo cho giới trẻ quan tâm đến loại chất cấm này. Nếu chúng ta không ngăn chặn, cứ để các sản phẩm in hình lá cần sa phát tán rộng rãi, thoải mái ngoài xã hội thì tất yếu là dần dần sẽ tác động đến nhận thức của giới trẻ. Do đó, các cơ quan liên quan cần điều tra khảo sát, đề xuất giải pháp, kịp thời ngăn chặn tình trạng này để không ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của giới trẻ.

Top