“Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”

25/05/2018 15:20

Đó là chủ đề của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (từ ngày 1-30/6/2018).

Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Mục đích của Tháng cao điểm nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm;

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Đồng thời tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong Tháng Cao điểm, tùy điều kiện cụ thể, các địa phương, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo về các chủ đề: Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng; Trả kết quả khẳng định nhiễm HIV sớm cho phụ nữ nang thai có test nhanh dương tính; Điều trị bằng ARV sớm cho trẻ khi khẳng định nhiễm HIV; Huy động và đảm bảo tài chính cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đặc biệt là test nhanh phát hiện HIV đối với phụ nữ mang thai; Phổ biến, cập nhật kiến thức mới về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;

Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, vợ người nhiễm HIV, người trong độ tuổi sinh đẻ; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai; lợi ích điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; lợi ích của bảo hiểm y tế với phụ nữ nhiễm HIV, vận động phụ nữ nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh...

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tổ chức tập trung tại các tỉnh/thành phố. Tùy điều kiện, các tỉnh, thành phố có thể tổ chức Lễ phát động hoặc  mít tinh và diễu hành quần chúng. Thời điểm tổ chức nên vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như ngày cuối tuần (26-27/5).

Ngoài Lễ mít tinh, có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài mít tinh và diễu hành cấp tỉnh, thành phố, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khuyến khích các tỉnh, thành phố, các bộ ngành chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức các cuộc mít tinh hoặc các sự kiện thích hợp tại các quận, huyện, xã, phường, đơn vị tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Về nội dung truyền thông cần chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; điều trị sớm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...

Top